"Tình hình không quân của chúng tôi càng ngày càng tồi tệ", phi công MiG-29 Ukraine có biệt danh Juice nói ngày 2/2, đồng thời thừa nhận phi đội già cỗi của Ukraine hoàn toàn thất thế trước các tiêm kích Su-35 và MiG-31 của Nga trang bị tên lửa không đối không tầm xa và radar vượt trội.
Juice cho biết radar 40 năm tuổi trên chiếc MiG-29 được sản xuất từ thời Liên Xô không được thiết kế để phát hiện tên lửa hành trình hoặc máy bay không người lái (UAV), do đó phi công Ukraine không thể bắn hạ chúng.
"Thật buồn khi quay lại và hạ cánh xuống căn cứ sau chiến dịch săn tìm như vậy khi biết rằng chúng đã bay tới mục tiêu, phá hủy các tòa nhà và thậm chí gây thương vong, trong khi tôi không thể giúp được gì", Juice nói.
Sau khi phương Tây cam kết chuyển xe tăng chủ lực, lãnh đạo Ukraine hối thúc các đối tác chuyển tiêm kích, trong đó có mẫu F-16 do Mỹ chế tạo. "Những gì Ukraine cần là tiêm kích thế hệ 4", cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Yuriy Sak tuyên bố.
Tuy nhiên, các thành viên hàng đầu của NATO tới nay vẫn từ chối cung cấp tiêm kích với lý do chúng quá phức tạp để lực lượng Ukraine nhanh chóng làm chủ và bảo dưỡng khí tài, cũng như lo ngại quyết định này có thể khiến Nga leo thang xung đột.
Anh, một trong những nước viện trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine, không muốn chuyển giao những tiêm kích F-35 và Eurofighter Typhoon đang vận hành. Khi được hỏi liệu Mỹ có chuẩn bị viện trợ F-16 hay không, Tổng thống Joe Biden đã thẳng thừng nói "không".
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảnh báo các nước "không tham gia cuộc đua bỏ thầu" để chuyển vũ khí do phương Tây sản xuất cho Ukraine.
Một số quan chức phương Tây đặt câu hỏi liệu tiêm kích có phải ưu tiên hàng đầu trong viện trợ quân sự cho Ukraine hay không, khi phải mất tối thiểu 6 tháng để đào tạo phi công điều khiển máy bay và vận hành các hệ thống vũ khí.
Chuyên gia Justin Bronk tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) cảnh báo dù tiêm kích phương Tây có thể mang đến năng lực lớn hơn cho Ukraine, "lưới phòng không đáng sợ của Nga" sẽ buộc chúng phải bay thấp khi yểm trợ mặt đất và hạn chế hiệu quả của những máy bay này.
Nga và Ukraine đều không kiểm soát bầu trời, do đó vai trò của không quân ít nổi bật trong cuộc xung đột vốn được định hình chủ yếu bằng pháo binh. Các tổ hợp phòng không S-300 từ thời Liên Xô của Ukraine cùng hệ thống tên lửa do phương Tây viện trợ từng ngăn tiêm kích Nga tiến sâu vào không phận nước này.
Nguyễn Tiến (Theo FT)