"Phi công trên chiến đấu cơ F-15C gặp nạn đã được tìm thấy và xác nhận thiệt mạng. Đây là mất mát nghiêm trọng với đơn vị, chúng tôi gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình phi công và Phi đoàn số 493", Không đoàn tiêm kích số 18, đơn vị chủ quản Phi đoàn số 493, cho biết trong dòng trạng thái đăng trên Twitter hôm nay.
Danh tính của phi công thiệt mạng sẽ được giữ kín cho tới khi người thân nhận được thông tin. Nguyên nhân dẫn tới tai nạn chưa được xác định, các lực lượng tìm kiếm vẫn đang nỗ lực trục vớt xác máy bay.
Không quân Mỹ cho biết chiếc F-15C gặp nạn lúc 9h40 ngày 15/6 khi đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện thông thường ngoài khơi bờ biển đông bắc nước Anh, trên máy bay có một phi công. Máy bay thuộc biên chế Phi đoàn số 493 đóng quân tại căn cứ Lakenheath ở Anh, là đơn vị duy nhất vận hành tiêm kích hạng nặng F-15 trong khu vực quản lý của Lực lượng Không quân Mỹ tại châu Âu (USAFE).
Dữ liệu định vị cho thấy phi cơ gặp nạn mang hô hiệu "CHOSEN4", nằm trong biên đội 4 chiếc cất cánh từ Lakenheath. Máy bay đã lượn nhiều vòng trước khi lao xuống biển, dường như không có tín hiệu cấp cứu nào được phát ra.
Cảnh sát biển Anh đã triển khai nhiều trực thăng và máy bay, trong khi không quân Anh huy động cả tiêm kích Typhoon và máy bay huấn luyện Hawk. Mỹ điều 3 máy bay tiếp dầu KC-135, một oanh tạc cơ B-52H và một trinh sát cơ điện tử RC-135W. NATO cũng triển khai máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không E-3 Sentry để điều phối hoạt động bay.
Đây là vụ rơi tiêm kích thứ ba của không quân Mỹ trong một tháng, sau hai vụ chiến đấu cơ tàng hình F-22 và F-35A gặp nạn khi bay huấn luyện ở bang Florida lần lượt vào hôm 15 và 19/5.
F-15C là phiên bản tiêm kích hạng nặng một chỗ ngồi được tập đoàn McDonnell Douglas phát triển năm 1967, bắt đầu biên chế cho không quân Mỹ từ năm 1976. Đây là một trong những dòng chiến đấu cơ chủ lực của Mỹ, được tối ưu cho nhiệm vụ chiếm ưu thế và làm chủ không phận.
Mỹ đã xuất xưởng hơn 400 chiếc F-15C, trong đó 212 máy bay vẫn còn trong biên chế.
Vũ Anh (Theo Reuters)