"Khác biệt lớn nhất khi chuyển sang tiêm kích F-35 là lượng thông tin khổng lồ được hiển thị đến phi công qua màn hình lớn và mũ bay. Những chiếc F-16 cũng có thể cung cấp một số dữ liệu tương tự, nhưng thường phân tán ra nhiều màn hình khác nhau", Monessa Balzhiser, phi công thử nghiệm dòng F-35 của tập đoàn Lockheed Martin, cho biết trong cuộc phỏng vấn hôm 16/2.
Phi công thử nghiệm có trách nhiệm bay thử, kiểm tra từng chiếc F-35 được xuất xưởng, bảo đảm chúng đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật trước khi bàn giao cho quân đội Mỹ và đồng minh.
Balzhiser phục vụ trong không quân Mỹ trong gần 13 năm với vai trò phi công tiêm kích F-16, trước khi chuyển sang tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin hồi năm 2019 để tham gia hoạt động bay thử trên dòng F-16 và F-35.

Balzhiser phía trước một chiếc F-35 trong ảnh chụp hồi năm 2021. Ảnh: Lockheed Martin
Cô cho biết phi công trên những chiếc F-16 phải tự tính toán chiến thuật và phân tích từng tình huống chiến trường trong đầu. Trong khi đó, hệ thống điện tử hiện đại của F-35 sẽ thực hiện tất cả những việc này và giúp phi công tập trung vào bức tranh tổng thể của nhiệm vụ.
"Chuyển loại từ F-16 sang F-35 giống lên đời ôtô, từ một chiếc bán tải hàng chục năm tuổi sang những mẫu Tesla hiện đại", Jake Esptein, biên tập viên của Business Insider, nhận xét.
Ngoài sự choáng ngợp về lượng thông tin được hiển thị, Balzhiser còn bị bất ngờ bởi khả năng kiểm soát bay của F-35, đặc biệt là trong những tình huống hoạt động ở tốc độ thấp.
"Tất cả hệ thống điều khiển bay cho phép tôi có thể tiếp cận và bám sát máy bay hạng nhẹ như Cessna, vốn chỉ đạt tốc độ khoảng 150 km/h, cho đến loại phi cơ bay cao và nhanh tới gần 1.500 km/h trong cùng một nhiệm vụ. Năng lực này cùng với góc tấn lớn mà máy bay F-35 có thể đạt được đã khiến tôi bất ngờ trong quá trình chuyển loại từ dòng F-16", cô cho hay.
Góc tấn là góc giữa mũi máy bay và luồng khí. Khả năng đạt và duy trì góc tấn lớn mang lại lợi thế đáng kể trong chiến đấu, cho phép phi công nhanh chóng hướng mũi máy bay và các loại vũ khí về phía mục tiêu để khai hỏa, cũng như bảo đảm khả năng kiểm soát máy bay ở tốc độ cực thấp mà không bị thất tốc.
Tiêm kích F-35 còn được trang bị nhiều hệ thống cảm biến và khả năng hợp nhất dữ liệu, giúp người điều khiển nhận thức tình huống tốt hơn F-16.
Dù vậy, Balzhiser cũng lưu ý rằng F-16 vẫn sở hữu một số ưu thế về vận tốc và tốc độ chuyển hướng.
Tiêm kích đa năng F-16 do General Dynamics phát triển từ những năm 1970, được Mỹ và các đồng minh sử dụng. Mỗi chiếc F-16 có giá khoảng 30-35 triệu USD tùy biến thể, nhưng khách hàng có thể trả nhiều hoặc ít hơn dựa vào số lượng đặt mua, điều kiện kinh tế - chính trị và các yếu tố khác.
F-16 có thể đạt tốc độ gần 1.500 km/h ở sát mực nước biển và 2.180 km/h ở độ cao 12 km, bán kính chiến đấu 546 km với cấu hình vũ khí tối ưu.

Tiêm kích F-35A (gần) bay cạnh hai phi cơ F-16 ở bang Alaska năm 2021. Ảnh: USAF
Tiêm kích tàng hình F-35 có giá khoảng 80-100 triệu USD mỗi chiếc tùy phiên bản. Mẫu F-35A có thể đạt tốc độ tối đa 1.300 km/h ở ngang mực nước biển và khoảng 2.090 km/h ở độ cao 12 km.
Khoảng 1.000 chiếc đã xuất xưởng và bàn giao cho quân đội Mỹ cùng đồng minh, nhằm thay thế cho những dòng máy bay như F-16 và F/A-18E/F. Các tiêm kích F-35 dự kiến hoạt động tới năm 2088, chương trình sẽ tốn hơn 2.000 tỷ USD để chế tạo và duy trì hoạt động của máy bay.
Dòng F-35 hứng nhiều chỉ trích vì liên tục đội giá và hàng trăm lỗi chưa được khắc phục, nhưng Balzhiser khẳng định nhà sản xuất sẽ không ngừng cải tiến dòng máy bay này. "Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển dòng F-35. Mối đe dọa từ các đối thủ vẫn luôn gia tăng, nên ưu tiên của chúng tôi là đảm bảo duy trì lợi thế", cô nói.
Phạm Giang (Theo Business Insider)