Khi điều khiển chiến đấu cơ hạng nặng F-15E xuất kích đêm 13/4, thiếu tá không quân Mỹ Benjamin Coffey không nghĩ mình sẽ bắn cạn tên lửa trong nỗ lực đối phó cuộc tấn công quy mô lớn của Iran nhằm vào lãnh thổ Israel.
Tehran đã triển khai hơn 300 máy bay không người lái (UAV), tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo nhằm đáp trả vụ quân đội Israel không kích khu vực đại sứ quán Iran tại Syria khiến 13 người chết. Đây là lần đầu tiên Iran tấn công trực diện vào Israel, sau nhiều năm hai bên ngầm đối đầu.
Mỹ đã hỗ trợ Israel đối phó cuộc tập kích, đồng thời gây sức ép để Tel Aviv không đáp trả Tehran quá mức. Tuy nhiên, quy mô cuộc tấn công trên thực tế vẫn vượt xa những gì quân đội Mỹ từng dự đoán.
CNN hôm 15/11 công bố nội dung phỏng vấn những kíp bay F-15E tham gia trận đánh hồi tháng 4, trong đó các phi công Mỹ hé lộ hàng loạt chi tiết chưa từng được giới chức công bố và mức độ nguy hiểm rất cao mà họ phải đối mặt.
Lực lượng Mỹ triển khai ở Trung Đông, cũng như giới chức nhiều nước trong khu vực, khi đó gần như luôn ở trong trạng thái "nín thở chờ đợi" cuộc tấn công của Iran, do nước này liên tục phát thông điệp sẽ trả đũa quyết liệt nhằm vào Israel.
"Trong cuộc họp chuẩn bị kế hoạch bay đêm đó, chúng tôi vẫn chưa biết sẽ đối mặt với điều gì. Rất có thể đó vẫn chỉ là một chuyến trực ban trên không, bay lòng vòng trong lúc chờ đợi cuộc tập kích xảy ra", đại úy Lacie Hester, sĩ quan điều khiển vũ khí cùng kíp bay với thiếu tá Coffey, nhớ lại.
Trung tá Timothy Causey, một phi công F-15E tham gia trận đánh, tiết lộ họ không có nhiều thời gian luyện tập cách bắn hạ UAV trước ngày 13/4.
"UAV tự sát là khí tài rẻ tiền và ít rủi ro. Đối phương có thể triển khai lượng lớn phi cơ, chúng tôi phải đánh chặn toàn bộ để bảo vệ đồng minh. Các phi công chưa từng thực hành phương án đối phó UAV tự sát trên quy mô lớn", Causey cho hay.
Cuộc tập kích cho thấy quân đội Mỹ cần tìm giải pháp đối phó với phương thức tác chiến thế hệ mới, trong đó các tiêm kích tiên tiến, trị giá hàng chục triệu USD phải đối đầu với UAV giá rẻ nhưng có thể dễ dàng né tránh những hệ thống cảnh giới hiện đại.
"F-15E được trang bị hệ thống radar tiên tiến nhất của không quân Mỹ, song không ai thật sự biết liệu nó đủ khả năng phát hiện UAV tự sát hay không", Coffey nói.
Một thách thức khác là mỗi chiếc F-15E chỉ mang được tối đa 8 tên lửa đối không, loại vũ khí hiệu quả nhất để đối phó UAV. "Nhiệm vụ của chúng tôi đêm đó là bắn hạ UAV bằng mọi vũ khí sẵn có. Máy bay nhanh chóng cạn tên lửa chỉ sau khoảng 20 phút chiến đấu", Curtis Culver, một phi công khác, cho hay.
Kíp bay Colley và Hester cũng gặp tình trạng tương tự và nảy ra kế hoạch mới.
Họ quyết định bay thấp hơn nhiều so với độ cao an toàn tối thiểu của chiếc F-15E, nhằm áp sát UAV Iran và dùng pháo 20 mm để hạ mục tiêu. Đây là hành động cực kỳ mạo hiểm, đặc biệt khi trời tối đen và mục tiêu khó quan sát, dễ khiến phi công mất phương hướng và lao xuống đất.
Kết quả là loạt đạn pháo của chiếc F-15E bắn trượt mục tiêu. "Tôi thấy độ cao giảm rất nhanh, mặt đất ngày càng đến gần. Quá rủi ro để thử lại lần nữa", Hester cho biết.
Tàu chiến, tiêm kích và các hệ thống phòng không Mỹ hôm đó bắn hạ tổng cộng 70 UAV và ba tên lửa đạn đạo. Quân đội Israel và đồng minh tuyên bố đánh chặn 99% số vũ khí được Iran sử dụng.
Dù vậy, các kíp bay F-15E và lực lượng mặt đất đều cảm thấy choáng ngợp, do đây là lần đầu không quân Mỹ phải đối mặt với cuộc tấn công bằng UAV có quy mô lớn và kéo dài như vậy. Các phi đội F-15E đêm đó đã phải quần thảo suốt nhiều giờ trên không.
Sau khi hết đạn và gần cạn nhiên liệu, nhiệm vụ tiếp theo của các phi cơ F-15E là trở về căn cứ. Đây là thử thách khó khăn hơn cả lúc chặn kích mục tiêu, do họ phải hạ cánh trong lúc các tổ hợp Patriot liên tục phóng tên lửa và hàng loạt mảnh vỡ rơi xuống đường băng.
Một số tiêm kích F-15E, trong đó có chiếc của Hester và Coffey, phải hạ cánh với tên lửa phóng xịt. Tình trạng này xảy ra khi quả đạn đã nhận tín hiệu khai hỏa từ phi công, nhưng gặp sự cố và không thể rời bệ phóng.
"Chúng tôi không biết liệu quả đạn đã chuyển sang chế độ chiến đấu chưa, liệu nó có phát nổ trong lúc hạ cánh hay khi đội kỹ thuật bắt đầu tháo dỡ tên lửa sau chuyến bay hay không. Đây là vấn đề rất lớn. Đó là chưa kể chúng tôi bắt đầu tiến vào vùng cảnh báo đỏ khi hạ cánh", Coffey nhớ lại.
Căn cứ khi đó gần như trong trạng thái phong tỏa, do lực lượng phòng thủ phát hiện nguy cơ xảy ra cuộc tập kích cận kề. "Tên lửa, UAV bay qua căn cứ, khiến báo động đỏ được kích hoạt. Đây là lúc chứng kiến kỷ luật quân đội và sự dũng cảm của các quân nhân trong tình huống chiến đấu căng thẳng", Causey nói.
Các phi công chứng kiến nhiều vụ nổ trên không trong lúc tìm cách hạ cánh và gọi cho thiếu tá Clayton Wicks, người điều phối hoạt động của phi đội F-15E tại sở chỉ huy.
"Tất cả những gì chúng tôi có thể nói với họ là hãy ở trên không càng lâu càng tốt với lượng dầu còn lại. Đừng chuyển hướng tới sân bay dự bị vì không biết điều gì đang xảy ra ở đó. Nếu hàng loạt vụ nổ xảy ra tại đây, nhiều khả năng các sân bay dự bị cũng gặp tình trạng tương tự", Wicks kể lại.
Binh sĩ dưới mặt đất được khuyến cáo nên vào hầm trú ẩn, song nhiều người quyết định ở lại để bảo đảm hậu cần cho phi đội F-15E. "Một quân nhân đứng cạnh xe bồn chở hàng tấn nhiên liệu để tiếp dầu cho chiến đấu cơ, trong lúc nhiều vụ nổ xảy ra phía trên căn cứ. Đó là sự dũng cảm đáng kinh ngạc", phi công Culver nhớ lại.
Hàng loạt phi công F-15E và quân nhân Mỹ tham gia chiến dịch đánh chặn đêm 13/4 đã được trao thưởng tuần này. Causey và Culver được trao Huân chương Thập tự Không quân, phần thưởng cao quý nhất của quân đội Mỹ dành cho những quân nhân "có thành tích phi thường khi làm nhiệm vụ trên không".
Phạm Giang (Theo CNN, Reuters, AFP)