Báo cáo được Lầu Năm Góc công bố hôm 5/11, trong đó chỉ ra hành vi vi phạm an toàn bay của một số phi công thuộc đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ đóng tại căn cứ Iwakuni ở Nhật Bản.
Theo báo cáo, nhiều phi công thủy quân lục chiến Mỹ thường xuyên tháo mặt nạ dưỡng khí, bỏ cả hai tay khỏi cần điều khiển để đọc sách hoặc chải râu trong khi bay. Một phi công còn chụp ảnh selfie khi làm nhiệm vụ và đăng lên mạng xã hội. Quân đội Mỹ cho rằng những hành động này là thiếu chuyên nghiệp, gây mất tập trung và đe dọa an toàn.
Đây cũng là đơn vị thủy quân lục chiến có liên quan tới vụ va chạm giữa tiêm kích F/A-18D và máy bay tiếp dầu KC-130J ngoài khơi tỉnh Kochi ngày 6/12/2018 làm 6 người thiệt mạng và một người bị thương, theo báo cáo.

Phi công F/A-18 Mỹ đọc sách trong một chuyến bay. Ảnh: Kyodo.
Sự cố xảy ra trong quá trình huấn luyện tiếp dầu ban đêm, khiến cả hai máy bay đâm xuống biển. Hai phi công trên chiếc F/A-18D phóng ghế thoát hiểm thành công, nhưng một người tử vong trong bệnh viện do bị thương nặng. Thi thể 5 thành viên tổ lái KC-130J chỉ được tìm thấy sau nhiều tháng.
Xét nghiệm nước tiểu từ các phi công, trong đó có tổ bay chiếc F/A-18D, cho kết quả dương tính với thuốc an thần, cho thấy họ không đủ điều kiện bay.
"Tình trạng thiếu chuyên nghiệp là một nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn, đáng lẽ nó có thể bị ngăn chặn nếu có một cuộc điều tra va chạm trên không năm 2016", báo cáo có đoạn viết, đề cập tới vụ chiến đấu cơ F/A-18 của đơn vị này đâm máy bay tiếp dầu ngày 28/4/2016.

Tiêm kích F/A-18D huấn luyện với máy bay tiếp dầu KC-130J năm 2017. Ảnh: USMC.
Thủy quân lục chiến Mỹ xếp sự cố năm 2016 vào Nhóm C, thấp thứ hai trong hệ thống đánh giá tai nạn hàng không. Cách phân loại này khiến họ không phải tổ chức điều tra và công bố thông tin về sự cố.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang yêu cầu lực lượng Mỹ cung cấp dữ liệu về vụ tai nạn năm 2016, cũng như bảo đảm an toàn trong các hoạt động bay tương lai. Nhiều người dân tại Iwakuni đã bày tỏ giận dữ với kết quả điều tra, một số người còn kêu gọi chấm dứt các chuyến bay quân sự của Mỹ tại khu vực.
Vũ Anh (Theo Kyodo)