- Ông nghĩ sao khi Bộ Giao thông tái nghiên cứu đường bay thẳng Bắc - Nam như ý tưởng "đường bay vàng" ông từng đề xuất?
- Hồi ấy, vì có sự bùng nổ về tranh luận, với sự tham gia của đại diện Cục Hàng không nhưng không đi đến thống nhất nên có ý kiến đề nghị với Thủ tướng dừng nghiên cứu "đường bay vàng" và Thủ tướng đã đồng ý. Tôi hiểu đó không phải là kết luận đúng sai, dừng có nghĩa là tạm nghỉ và đòi hỏi thực tiễn của cuộc sống, xã hội sẽ như người trọng tài đứng ra phân xử.
Sau chiến thắng 1975, một bộ phận quân đội chuyển sang làm chức năng hàng không dân dụng. Cán bộ làm công tác quản lý bay thiết lập đường bay Hà Nội - Ninh Bình, từ kinh tuyến 106 độ Đông, bay tiếp trên biển qua Đà Nẵng xuống phía nam đến An Lộc, rẽ về Tân Sơn Nhất. Trong bối cảnh đất nước vừa thống nhất, sự lựa chọn này là hoàn toàn chính xác. Vả lại, tốc độ máy bay thời đó chỉ ở mức 350 đến 600 km/h và bay ở độ cao từ 3.000 m đến 6.000 m.
Nay khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, hàng không phát triển với tốc độ vũ bão mà vẫn cứ biện minh rằng chưa đủ điều kiện để đảm bảo an toàn bay thẳng theo kinh độ 106 độ Đông; cộng thêm lý do về quốc phòng, an ninh, thì tôi cho rằng đó là bảo thủ, đi ngược với trào lưu của thời đại.
May mắn, dù không am hiểu sâu về hàng không, nhưng Bộ trưởng Đinh La Thăng vẫn nhận ra được thực chất của vấn đề và quyết tâm thiết lập đường bay này. Tôi nghĩ lợi ích của xã hội, của đất nước và của các bạn láng giềng nói chung và ngành hàng không nói riêng chắc chắn sẽ được cải thiện.
- Tin tưởng vào đề xuất của mình, vì sao ông lại dừng nghiên cứu "đường bay vàng"?
- Tôi đã có đơn gửi Chính phủ bảo lưu ý tưởng, rồi đăng ký bản quyền đề án. Tôi luôn tin tưởng rằng mình không làm thì đời con cháu chúng ta sẽ làm.
- Phương pháp tính đường bay thẳng của ông và ông Trần Đình Bá giống hay khác nhau?
- Ông Bá có công tiếp tục đưa đề xuất "đường bay vàng" đến với dư luận, song cách tính đường bay của ông Bá không chính xác, không thể rút ngắn được khoảng cách hơn 400 km. Cách tính đường bay thẳng của ông Bá cũng không áp theo kinh tuyến 106 độ Đông như đường bay tôi đề xuất.
- Các tính toán về "đường bay vàng" của ông như thế nào?
- Nếu so sánh đường bay thẳng với đường bay qua Đà Nẵng về TP HCM có thể rút ngắn được quãng đường 140 km. Rẽ từ Huế, đường bay có thể rút ngắn được trên 100 km.
Về thời gian, giả thiết không có gió, độ cao bay có lợi, tiết kiệm nhiên liệu, tôi cho rằng có thể tiết kiệm từ 8 đến 10 phút bay cho các loại máy bay Airbus, Boeing, hoặc tương đương. Những ai quan tâm tới hàng không đều biết tiết kiệm được một phút bay với vài ba chục cây số cũng là rất quý, tất nhiên phải kèm theo những yếu tố an toàn.
- Một số ý kiến lo ngại vấn đề an toàn khi lập đường bay thẳng, ông nghĩ sao?
- Trước nay, đường bay Hà Nội - Đà Nẵng dài gần 200 km trên biển, xuôi theo Buôn Ma Thuột vào TP HCM. Thực tế đường bay này ở ngay trên dãy Trường Sơn, theo kinh tuyến 108 độ Đông, còn đường bay thẳng Bắc - Nam theo kinh tuyến 106 độ Đông còn cách dãy Trường Sơn tới gần 2 kinh tuyến.
Phía bắc dọc theo sông Mekong, phía nam là vùng hạ Lào, đồng ruộng và đồi núi thấp. Trong khi đó, mức bay thấp nhất là 6.000 m (với máy bay ATR72), còn các loại Boeing, Airbus đều bay độ cao trên dưới 10.000 m. Với các loại máy bay cũ, buồng hở vẫn bay theo kinh tuyến 108 độ Đông, độ cao trên 3.300 m song chưa hề có tai nạn nào. Chỉ có một vài tai nạn xảy ra ở vùng ven biển (Sơn Trà, Quảng Nam, Nha Trang) do phi công hạ thấp độ cao sớm nên va vào núi dưới 1.500 m.
Nhìn vào bản đồ, ai cũng thấy đường bay 106 độ Đông ngắn hơn, ít điểm lượn vòng. Địa hình và thời tiết phía tây Trường Sơn không có bão. Qua biên giới Việt - Lào là bay theo triền sông Mekong. Nằm trên kinh tuyến 106 độ Đông có 2 sân bay dự bị là Vinh và Pakse (Lào), hai đầu là 2 sân bay lớn Nội Bài, Tân Sơn Nhất - đầy đủ phương tiện, thiết bị dẫn đường, quản lý điều hành bay hiện đại.
Với những điều kiện và tầm bay như vậy, tôi khẳng định đường bay thẳng đảm bảo an toàn.
- Ông đánh giá thế nào về việc các hãng đang thử nghiệm bay giả định (SIM) theo đường bay thẳng Bắc - Nam?
- Bộ trưởng Giao thông xin phép Thủ tướng cho bay thử là để khẳng định quyết tâm. Dù có bay thử hay bay thật bao nhiêu chuyến thì thông số không chuyến nào như chuyến nào. Bởi hướng gió và tốc độ gió, độ cao, nhiệt độ, không khí, mỗi mùa, mỗi ngày, mỗi lần một khác. Tất cả chỉ là thông số tương đối.
Quá trình bay, căn cứ các yếu tố khí tượng thực tế, lệnh của cơ quan điều hành, người lái phải điều chỉnh thời gian dự định đến một lần nữa. Kể cả lúc đã đến sân bay rồi cũng có thể phải lượn trên không chờ hạ cánh vì một lý do nào đó. Chỉ khi bánh xe chạm xuống đường băng mới tính được thời gian chính xác.
- Nhiều hãng bay, Cục Hàng không băn khoăn hiệu quả kinh tế của đường bay thẳng khi phải trả phí quá cảnh cho Lào và Campuchia, ông tính toán yếu tố này như thế nào?
- Nếu bay ngắn hơn, tiết kiệm thời gian bay và nhiên liệu nhưng tiền phí quá cảnh nhiều hơn, thì đương nhiên không hãng hàng không nào muốn bay thẳng mà sẽ chấp nhận bay vòng, đốt bỏ nhiên liệu trên không. Song việc làm này sẽ có hại cho xã hội và bầu trời của nhân loại. Nước bạn cũng không thu được tiền.
Các hãng hàng không khó giải quyết được vấn đề này mà là việc của Nhà nước ta với Lào và Campuchia. Theo xu thế phát triển, bạn sẽ qua bầu trời của ta để bay về hướng đông, hướng nam nên họ cũng sẽ phải cân nhắc. Tuy nhiên, bài toán kinh tế khi lập đường bay thẳng có hòa cũng là tốt, bởi ngoài nhiên liệu tiêu tốn còn hao mòn máy móc, tiết kiệm thời gian, sức khoẻ cho con người và xã hội.
Ông Mai Trọng Tuấn (76 tuổi) nguyên là phi công của đoàn bay 919, Quân chủng Phòng không không quân. Rời quân ngũ năm 1983 với quân hàm Trung tá, ông hiện là tổng giám đốc một doanh nghiệp tại TP HCM. |
Đoàn Loan