Ngày 26/8, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã báo cáo Chính phủ đề nghị khởi động nghiên cứu lập đường bay thẳng Hà Nội - TP HCM qua lãnh thổ Lào, Campuchia.
Bộ Giao thông đề nghị Thủ tướng cho phép cơ quan này chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, cơ quan hàng không dân dụng của Lào, Campuchia và Văn phòng Tổ chức hàng không dân dụng thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương chuẩn bị các bước để mở đường hàng không thẳng Hà Nội - TP HCM trên cơ sở bảo đảm an ninh quốc phòng, an toàn hoạt động bay, hiệu quả kinh tế. Cụ thể là giảm thời gian bay, tiết kiệm chi phí cho các hãng hàng không, giảm khối lượng khí thải, giảm mật độ bay dân dụng trên trục Bắc - Nam trong vùng trời Việt Nam...
Để có cơ sở triển khai, Bộ Giao thông sẽ chỉ đạo Vietnam Airlines bay thử nghiệm, sau đó trình Thủ tướng xem xét việc mở đường hàng không thẳng Hà Nội - TP HCM qua không phận Lào, Campuchia trong thời gian sớm nhất.
Bộ Giao thông đánh giá, trước đây do nhiều nguyên nhân, việc nghiên cứu mở đường bay thẳng giữa Hà Nội - TP HCM dọc theo kinh tuyến 1060 Đông chưa có tính khả thi. Tuy nhiên, hiện nay được sự ủng hộ của Bộ Tổng tham mưu, Quân chủng Phòng không - Không quân cùng với trình độ khoa học công nghệ trong ngành hàng không, đặc biệt là trong dẫn đường hàng không đã có nhiều thay đổi, các yếu tố hạn chế, ảnh hưởng đến tính khả thi trong việc thiết lập đường bay thẳng trước đây đã được cải thiện.
Cục Hàng không đã đàm phán với Cục Hàng không dân dụng Lào và Ủy ban Nhà nước Hàng không dân dụng Campuchia thống nhất việc mở đường hàng không thẳng và các yếu tố kỹ thuật, tài chính liên quan đến hoạt động bay vận chuyển nội địa qua vùng trời các nước Lào và Campuchia của hàng không Việt Nam.
Hai nước láng giềng đều bày tỏ sự ủng hộ đề xuất này và cam kết tạo điều kiện tốt nhất để thực hiện dự án. Đồng thời, Lào và Campuchia sẽ xem xét việc giảm phí điều hành bay qua vùng trời với chuyến nội địa của các hãng hàng không Việt Nam.
Trao đổi với báo chí sáng 27/8 trong khuôn khổ Ngày Hàng không 2014, ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, Hãng chưa có con số cụ thể để so sánh hiệu quả kinh tế của đường bay thẳng. Không thể chỉ kẻ một đường thẳng từ Hà Nội - TP HCM, mà phải tính toán với mực bay, hành lang bay… Còn đường bay phải tính toán lúc máy bay cất cánh theo hành lang bay và đi qua các điểm cụ thể nào, đặc biệt là các điểm tiếp cận. Hiện máy bay bắt buộc phải vòng lên hướng Việt Trì rồi mới hạ cánh xuống Nội Bài, nếu đến Tân Sơn Nhất thì phải tập kết ở An Lộc rồi mới hạ cánh. Dù cho máy bay đi từ Phnom Penh về Tân Sơn Nhất cũng phải vòng đến An Lộc.
Cũng theo ông Minh, đường bay thẳng Hà Nội - TP HCM không được coi là đường bay trục của Lào, Campuchia, nên sẽ không được giành mực bay ưu tiên. Cụ thể, đường bay Hà Nội - TP HCM là đường bay trục của Việt Nam, nên mực bay trên 33.000 feet, tương ứng 10.000 km, nếu không được ưu tiên, máy bay sẽ phải bay dưới 10.000 km, không đạt hiệu quả kinh tế như kỳ vọng.
Ý tưởng "đường bay vàng" Bắc - Nam được cựu phi công Mai Trọng Tuấn đưa ra năm 2009, đã bị các chuyên gia hàng không bác bỏ sau nhiều cuộc hội thảo. Năm 2012, ông Trần Đình Bá tiếp tục đề xuất và lại bị bác bỏ.
Tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu Cục Hàng không nghiên cứu lại đề án đường bay thẳng như đề xuất của ông Trần Đình Bá nhằm rút ngắn chặng bay Bắc - Nam, giúp các hãng hàng không giảm thời gian bay, tiết kiệm nhiên liệu. Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh cho biết, Việt Nam bắt đầu sử dụng phương thức dẫn đường vệ tinh, thay vì đơn thuần dẫn bằng các trạm mặt đất như trước. Do đó, việc điều hành máy bay trên địa hình hiểm trở của Lào và Campuchia không còn là trở ngại. Bên cạnh đó, đường bay thẳng nhận được sự ủng hộ của Bộ Quốc phòng trong việc tổ chức lại vùng trời, nhằm ưu tiên cho hoạt động bay dân dụng, phát triển kinh tế. |
Đoàn Loan