Cách đây 30 năm, ngày 9/9/1990, một tiêm kích Su-27 của Liên Xô lao xuống đất và nổ tung chỉ sau vài phút biểu diễn tại triển lãm hàng không Salgareda ở đông bắc Italy. Tai nạn khiến phi công thử nghiệm Rimantas Stankiavichus, một trong những phi công dày dạn kinh nghiệm từng tham gia dự án tàu con thoi Buran, và một nhân viên mặt đất thiệt mạng.
Sự cố đã gây sốc cho khán giả có mặt tại hiện trường và những người theo dõi qua truyền hình. Chiếc Su-27 được coi là điểm nhấn của triển lãm hàng không Salgareda, cũng là mẫu tiêm kích rất hiếm gặp với giới quân sự và đam mê hàng không phương Tây lúc đó.
Vụ tai nạn tiêm kích Su-27 tại Salgareda ngày 9/9/1990. Video: Youtube/Edoardo Belloni.
Kết quả điều tra cho thấy trước khi xảy ra tai nạn khoảng 15 phút, Stankiavichus cất cánh từ sân bay quân sự Rivolto, nơi đóng quân của đội biểu diễn Frecce Tricolori thuộc không quân Italy, để tới biểu diễn ở triển lãm.
Tuy nhiên, ông gặp khó khăn khi xác định vị trí sân bay Salgareda, dù đã bay tổng duyệt trước đó một ngày, nhiều khả năng do đường băng nền cỏ nằm lẫn vào những cánh đồng màu xanh xung quanh và rất khó nhận biết từ trên không.
Stankiavichus nối liên lạc vô tuyến với quản lý sự kiện khi máy bay đã ở khá gần khu vực trình diễn, điều khiến phi công này rất căng thẳng. Khi đã nhìn thấy sân bay dưới sự hướng dẫn của ban tổ chức triển lãm, Stankiavichus bắt đầu tiếp cận, thả càng đáp và bay dọc đường băng để mô phỏng động tác hạ cánh. Tuy nhiên, lần bay ngang sân bay tiếp theo của chiếc Su-27 ở quá gần khán giả và nằm ngoài không gian quy định, khiến ban tổ chức đề nghị Stankiavichus điều chỉnh vị trí và thực hiện lại động tác.
Trong vòng lượn tiếp theo, chiếc Su-27 tiếp cận đường băng trong trạng thái thả càng và cánh tà, tốc độ 250 km/h và cách đường băng 30-50 m. Khi bay được nửa chiều dài đường băng, phi công thu càng và cánh tà, bật chế độ tăng lực tối đa và thực hiện vòng lượn đứng.
Ở đỉnh vòng lượn, tiêm kích Su-27 đạt tốc độ 135 km/h, độ cao 520 m và góc tấn 15 độ. Trong chuyến bay tổng duyệt trước đó, phi công đạt đỉnh vòng lượn ở độ cao 760 m.
Khi ở góc 3/4 cuối cùng của vòng lượn, chiếc Su-27 chỉ cách mặt đất 350 m và mũi đang hướng thẳng xuống mặt đất. Stankiavichus giảm ga và kéo cần lái hết cỡ, khiến góc tấn của máy bay tăng lên tới 29 độ.
Ở thời điểm này, phi cơ đã ở trạng thái bay bằng nhưng không thể lấy lại được độ cao. Chiếc Su-27 tiếp tục hạ độ cao với tốc độ 17 m/s rồi đâm xuống đất ở tốc độ 315 km/h, tạo ra quả cầu lửa cùng tiếng nổ dữ dội.
Theo các chuyên gia hàng không, trong quá trình thực hiện vòng lượn quá hẹp, Stankiavichus hoàn toàn có thể phóng ghế thoát hiểm để tự cứu mình, thậm chí ngay cả trước khi máy bay lao xuống đất. Tuy nhiên, ông đã không làm như vậy, quyết định điều khiển máy bay đến cùng để ngăn nó lao vào đám đông khán giả bên dưới.

Đường bay dự kiến (xanh) và thực tế (đỏ) của chiếc Su-27. Đồ họa: Aviationist.
Cuộc điều tra cho thấy sự cố bắt nguồn từ con người, trong đó hàng loạt yếu tố khác nhau đã dẫn tới cú đâm. Các nhà điều tra cho rằng phi công đã rất căng thẳng do không xác định được sân bay, quá trình liên lạc với kiểm soát không lưu cũng khó khăn do phi công không biết tiếng Anh và Italy, buộc ông phải trao đổi qua phiên dịch viên.
Yêu cầu thực hiện vòng bay thứ hai cũng gây thêm áp lực với Stankiavichus, trong khi hướng Mặt trời và điều kiện ánh sáng cũng ảnh hưởng tới khả năng ước lượng độ cao của phi công Liên Xô trong vòng lượn.
Stankiavichus qua đời trong tai nạn ở tuổi 46, thi thể ông được chôn cất ở quê nhà Litva. Trước tai nạn ở Salgareda, ông đã bay trên 57 loại phi cơ và có trên 4.000 giờ bay tích lũy.
Vũ Anh (Theo Aviationist)