Video được giới chức Thổ Nhĩ Kỳ công bố hồi đầu tuần cho thấy tiêm kích F-16C nước này phóng tên lửa hành trình chống hạm tàng hình SOM-J nhằm vào mục tiêu giả định trên biển.
Trước mặt phi công điều khiển là một máy tính bảng, vốn không phải thiết bị nguyên bản trên tiêm kích F-16, được gắn cố định ở vị trí Bảng Điều khiển và Nhập dữ liệu đầu vào (ICP), song chưa rõ có thay thế hoàn toàn thiết bị này hay không.
ICP được dùng để chọn vũ khí, thiết lập đường bay và tọa độ mục tiêu, điều chỉnh kênh liên lạc vô tuyến và nhiều chức năng khác.
Tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ thử tên lửa hành trình SOM-J trong video công bố ngày 21/3. Video: X/Mehmet Fatih KACIR
Phi công F-16 Thổ Nhĩ Kỳ tham gia thử tên lửa còn để một máy tính bảng khác trên đầu gối. Thiết bị này ngày càng trở nên phổ biến trong các chuyến bay, giúp bổ sung thông tin ngoài hệ thống tích hợp trên phi cơ và thay thế các bản đồ, tài liệu cồng kềnh trong buồng lái.
Máy tính bảng lắp trong tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ là một phần của hệ thống điều khiển hỏa lực độc lập trên máy bay (UBAS) do nước này phát triển. UBAS cho phép các phương tiện chiến đấu của nước ngoài, trong đó có tiêm kích, sử dụng vũ khí do Thổ Nhĩ Kỳ tự phát triển.
Thổ Nhĩ Kỳ lắp UBAS cho biến thể F-16C/D Block 40 đã nâng cấp, song hệ thống này không tương thích với các mẫu cũ. Chưa rõ bao nhiêu tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ được lắp UBAS.

Máy tính bảng lắp trong buồng lái tiêm kích F-16C của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: X/Mehmet Fatih KACIR
"Giải pháp dùng máy tính bảng để sử dụng vũ khí mới trên máy bay cũ là lĩnh vực đang phát triển. Các tiêm kích thời Liên Xô của Ukraine không có giao thức dữ liệu tương thích với vũ khí phương Tây và cũng được lắp iPad để giải quyết vấn đề này", biên tập viên Thomas Newdick của chuyên trang quân sự Mỹ War Zone nhận xét.
Thổ Nhĩ Kỳ đang cần giải quyết vấn đề tích hợp vũ khí nội địa lên tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất. Ankara đang vận hành phi đội F-16 lớn thứ ba thế giới và nhiều lần nâng cấp tiêm kích trong biên chế để kéo dài tuổi thọ máy bay. Cách tiếp cận của Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá là tương đối khác thường và đôi khi còn bất đồng với Mỹ.
Nhờ UBAS, tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ có thể mang nhiều loại vũ khí nội địa mà không cần chỉnh sửa phần mềm gốc, vốn phụ thuộc vào nhà sản xuất ở Mỹ. Ngoài tên lửa SOM-J, UBAS được cho là có khả năng điều khiển bom dẫn đường HGK, bom lượn KGK và LGK-82, vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo dựa trên bom dẫn đường laser GBU-12 của Mỹ.

Buồng lái tiêm kích F-16 Mỹ với cụm ICP nguyên bản trong chuyến bay ở bang Florida tháng 4/2021. Ảnh: The Afterburn Podcast
"Khả năng tự tích hợp vũ khí nội địa lên tiêm kích F-16, tránh phụ thuộc vào nhà sản xuất ở Mỹ hoặc nước ngoài là điều vô cùng quan trọng với Thổ Nhĩ Kỳ. Quan hệ giữa Ankara và Washington trong những năm qua tương đối căng thẳng, ảnh hưởng đáng kể tới năng lực tác chiến của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ", Newdick nói.
Những căng thẳng liên quan thương vụ mua tên lửa S-400 và chiến dịch quân sự tại Syria năm 2019 của Thổ Nhĩ Kỳ làm dấy lên lo ngại nguồn cung thiết bị quân sự từ Mỹ, trong đó có vũ khí, phụ tùng và hỗ trợ kỹ thuật cho tiêm kích F-16, có thể bị cắt đứt trong tương lai. Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2019 bắt đầu tích trữ phụ tùng cho tiêm kích F-16, dường như nhằm đối phó kịch bản này.
Thổ Nhĩ Kỳ lắp máy tính bảng lên F-16 cho thấy thiết bị này ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thiết lập kết nối giữa máy bay quân sự và vũ khí từ nguồn khác nhau. "Máy tính bảng đang là phương án hữu ích để bổ sung năng lực tác chiến mới cho phương tiện đời cũ một cách nhanh chóng với chi phí tương đối thấp", Newdick kết luận.
Nguyễn Tiến (Theo War Zone, AFP, AP)