Hôm nay, Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) thông báo, phi cơ C919 đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm lần thứ hai. Tuy nhiên, nhà sản xuất Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với các câu hỏi liệu có thể đáp ứng mục tiêu phân phối vào năm 2020 hay không.
COMAC cho biết, C919 cất cách vào lúc 7h22 phút từ sân bay quốc tế Pudong tại Thượng Hải và hạ cánh lúc 10h08 phút (giờ địa phương). Máy bay này đã đạt đến độ cao hơn 3.000m.
“Các yếu tố khác nhau trong chuyến bay thử nghiệm đã được hoàn thành trôi chảy”, COMAC thông báo. Chuyến bay thử nghiệm mới này dài 166 phút, gấp đôi thời gian chuyến bay lần đầu tiên.
Tuy nhiên, Bradley Perrett – phóng viên kỳ cựu theo dõi Trung Quốc tại Aviation Week nhận định rằng, khoảng thời gian 5 tháng giữa hai lần bay thử nghiệm là “khác thường” và mục tiêu phân phối vào năm 2020 của COMAC dường như không khả thi.
“Năm 2015, Mitsubishi Regional Jet – máy bay chở khách đầu tiên của nhà sản xuất Nhật đã thực hiện chuyến bay thứ hai, chỉ sau lần thử nghiệm thứ nhất 8 ngày. Trong khi đó, thời gian giữa hai lần bay thử nghiệm của Airbus A350 là 5 ngày”, Perrett cho biết.
COMAC cũng cho biết, mẫu máy bay ARJ21 cũng hoạt động cùng thời điểm với C919 hôm nay. Đây là lần đầu tiên hai máy bay chở khách do Trung Quốc tự sản xuất cùng bay lượn trên bầu trời đất nước này.
Mẫu máy bay thân hẹp này được COMAC kỳ vọng sẽ là đối thủ cạnh tranh với Boeing 737 và Airbus A320. Đồng thời, nó cũng là biểu tượng cho tham vọng gia nhập vào thị trường máy bay toàn cầu, ước tính đạt giá trị 2.000 tỷ USD trong 20 năm tới.
Tuy nhiên, dự án phát triển máy bay của COMAC đã bị trì hoãn nhiều hơn so với mục tiêu ban đầu là phân phối cho khách hàng vào năm 2016, kéo dài đến 2020. Doanh số của mẫu bay này cũng bị hạn chế, chỉ tập trung tại thị trường nội địa bởi chưa được các cơ quan quản lý tại châu Âu và Mỹ cấp chứng nhận.
Với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Chính phủ, COMAC đã nhận được đơn đặt hàng 730 chiếc C919, từ 27 khách hàng, hầu hết là các công ty cho thuê máy bay Trung Quốc.
Anh Tú (theo Reuters)