Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) – Jim Yong Kim vừa bất ngờ tuyên bố từ chức, sớm 3 năm trước khi kết thúc nhiệm kỳ thứ 2. Trong thư gửi nhân viên, ông Kim cho biết sẽ gia nhập một công ty tư nhân tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển. Kristalina Georgieva – Giám đốc điều hành WB sẽ trở thành chủ tịch tạm quyền của cơ quan này từ ngày 1/2.
Kim năm nay 59 tuổi, bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai tại WB từ năm 2017. Ông đã giúp tổ chức cho vay này giành được sự ủng hộ từ các nước thành viên để nâng vốn thêm 13 tỷ USD hồi tháng 4, sau khi Mỹ từ bỏ đề xuất hạn chế nguồn lực của WB.
Bloomberg trích lời một nguồn tin thân cận cho biết việc ông Kim từ chức đã khiến cả nhân viên và hội đồng giám đốc ngạc nhiên. Ông chỉ mới thông báo việc này sáng nay và gần như trước đó không có dấu hiệu sẽ nghỉ việc.
Việc ông đột ngột rời đi có thể tạo ra một cuộc chiến tìm người thay thế, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ - Donald Trump luôn hoài nghi mục đích hoạt động của WB. Tổng thống Mỹ - Donald Trump sẽ đề cử một ứng cử viên. Tuy nhiên, lựa chọn này có thể gây ra tranh cãi nếu ứng cử viên có chung quan điểm không ưa các tổ chức quốc tế, như WTO hay NATO, giống Trump.
Năm 2016, trong một bài báo, cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Mỹ - John Bolton từng đưa ra các lý do để tư nhân hóa WB. Trong khi đó, Thứ trưởng Tài chính Mỹ - David Malpass vẫn luôn nghi ngờ việc WB cho Trung Quốc vay quá nhiều, dù quốc gia này đã tiếp cận được thị trường tài chính quốc tế.
Quyết định của Trump còn có thể ảnh hưởng đến việc triển khai nguồn vốn của WB. Hiện tại, các nền kinh tế mới nổi ngày càng chịu sức ép từ lãi suất tại Mỹ tăng và căng thẳng thương mại leo thang.
Mỹ hiện là cổ đông lớn nhất trong WB. Tổ chức này được thành lập từ Đại chiến Thế giới II, nhằm tái thiết châu Âu. Sau đó, WB dần tập trung vào nhiệm vụ giảm nghèo cùng cực trên thế giới.
Kể từ khi thành lập năm 1945, đứng đầu WB luôn là người Mỹ. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) luôn do người châu Âu điều hành. Việc này nằm trong thỏa thuận ngầm giữa các cường quốc phương Tây.
Tuy nhiên, một số quốc gia đang gây sức ép phải có đại diện từ các nước đang phát triển. Quy trình chọn người đứng đầu được quản lý bởi một hội đồng giám đốc, đại diện cho 189 nước thành viên của WB. "Nếu các tổ chức này được thiết kế để thu hút hơn với các nước còn lại, quyền kiểm soát do Mỹ và châu Âu nắm giữ với cả chức chủ tịch WB và Giám đốc IMF sẽ chấm dứt", Raghuram Rajan – cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Ấn Độ nhận xét.
Chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và sự tranh cãi về toàn cầu hóa đang làm tăng sức ép chính trị lên lãnh đạo các tổ chức như WB. "Kể cả nếu không có hạn chế rằng vị trí đó phải là người Mỹ, trong môi trường khó khăn như hiện tại cũng rất khó tìm người giỏi đảm nhận trách nhiệm này", Rajan cho biết.
Nhiều chuyên gia khẳng định ông Trump sẽ gặp khó trong việc đưa lên ứng viên như ý. Nó sẽ tạo ra thách thức trong việc thực thi chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông. "Đây luôn là vấn đề về liên minh mà. Và Mỹ - châu Âu đã là đồng minh chủ chốt 75 năm nay rồi", Scott Morris – nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu nhận định, "Nền tảng hiện tại khó vững vàng để mối quan hệ này tiếp tục duy trì".
Chính quyền Trump có thể đối mặt với nhiều sự phản đối từ các nước khác, nếu ông đưa lên một ứng cử viên có quan điểm thù nghịch với WB. "Họ vẫn cần phiếu biểu quyết từ các nước khác nữa. Và chẳng có gì là chắc chắn cả", Morris cảnh báo. Dù thường người được Tổng thống Mỹ đề cử cuối cùng cũng được thông qua, hội đồng giám đốc WB vẫn nắm quyền quyết định.
Nhiều chuyên gia cho rằng WB còn có thể trở thành mặt trận mới trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tổ chức này đã bị kéo vào xung đột giữa hai nước, khi tháng trước, Malpass cho biết trước Quốc hội Mỹ rằng WB đã đồng ý giảm cho vay Trung Quốc dưới sức ép của Mỹ. Năm ngoái, giá trị các khoản vay của WB cho Trung Quốc đã giảm 30%, xuống còn 1,8 tỷ USD.
Hà Thu (theo Bloomberg/Reuters)