Chàng trai chia sẻ mình không biết sợ, không biết sẽ làm gì cho đến khi "có vẻ" tỉnh, không bị kích thích thì ngủ. Người mẹ ngồi bên cạnh chỉ biết cúi nhìn lặng lẽ.
Một chàng trai khác đến khám với bố. Ông bố nhờ bác sĩ giúp đỡ vì con gầy còm và lười biếng, thỉnh thoảng lên cơn loạn thần do đã dùng hàng "đá" hơn 2 năm. Ông khẳng định đã cai được cho con và yêu cầu bác sĩ kê toa “thuốc gì cho ăn được và nhanh nhẹn một chút”. Ông nói: “Hiện cháu chậm, cái gì cũng sợ mà nói hay hỏi tới thì giật mình bừng tỉnh trả lời ngay được vài câu rồi đâu lại vào đấy”.
Phòng cấp cứu tại Bệnh viện Tâm thần TP HCM thường có những bệnh nhân “ngáo đá” do bạn bè, một số trường hợp có thêm cảnh sát hoặc người nhà đưa vào. Họ khó tiếp xúc hơn vì đang hung hăng và thường xuyên gây áp lực, náo loạn với bác sĩ và điều dưỡng trực. Đây chính là thời điểm dễ xảy ra nguy cơ tấn công bạo lực đối với nhân viên y tế và rất khó tránh khỏi đối với bệnh nhân tâm thần khác.
Bác sĩ Phạm Văn Trụ, Bệnh viện Tâm thần TP HCM, Trưởng Nhóm hỗ trợ kỹ thuật điều trị nghiện cho biết, các thanh niên "ngáo đá" thường có nhiều hành vi khác thường, bạo lực nguy hiểm tới tính mạng bản thân và người ngoài. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và giải thích nguyên nhân gây ra sự mất điều chỉnh hành vi là do methamphetamine gây ra. Đây là một chất kích thích gây nghiện cực mạnh, màu trắng, không mùi, bột tinh thể có vị đắng và rất độc hại tới trạng thái tâm thần sức khỏe.
Methamphetamine là nguyên nhân làm cho các tế bào thần kinh phóng thích số lượng lớn các chất vận chuyển thần kinh tự nhiên, chủ yếu là dopamine. Hoặc chúng ngăn cản phục hồi cần thiết của các chất vận chuyển thần kinh này giữa các tế bào thần kinh. Kết quả là não bộ tràn ngập dopamine ở những vùng não bộ kiểm soát hành động, kiểm soát cảm xúc, thúc đẩy hành vi... Các nhà khoa học gọi quá trình diễn tiến này là "hệ thống thưởng".
Methamphetamine phát tán rất nhanh chóng trong não bộ gây sảng khoái tức thì và cao độ. Tuy nhiên khoái cảm này cũng biến mất nhanh chóng nên người dùng thường sử dụng thêm liều nữa để “say sưa cấp tốc” với màu sắc biến dị không phân biệt được hình ảnh không gian thật giả. Cũng vì lý do này nên nhiều người dùng liều cao từ đầu, dẫn đến nhanh chóng trở thành “ngáo” ngay sau hút. Hầu hết người nghiện bắt đầu thử dùng ma túy vì tò mò và "hệ thống thưởng" thúc ép tìm kiếm ma túy để được sảng khoái, khi đã dùng thì không thể điều chỉnh hay kiểm soát được hành vi của mình nữa. Đây chính là nguồn gốc của những hành vi bạo lực mất nhân tính trước và sau khi dùng methamphetamine.
Theo bác sĩ Trụ, sử dụng methamphetamine dài ngày sẽ xuất hiện triệu chứng lo âu, lú lẫn, mất ngủ, rối loạn tính khí và rất dễ hung hăng. Đồng thời người dùng rất đa nghi, ảo thị màu đỏ, thường nghe tiếng nói xấu liên quan và hoang tưởng. Nguyên nhân do thay đổi các hóa chất và phân tử trong não dẫn đến cử chỉ tay chân không chính xác, nói năng không trôi chảy. Sự thay đổi trên còn tác động đến cấu trúc và chức năng của các vùng não có liên kết với cảm xúc và trí nhớ như lờ đờ và hay quên.
Nhiều người khi "phê đá" thường nghĩ rằng người khác đang theo dõi, muốn tấn công mình nên xông vào đánh. Một số cho rằng có thể bay được nên ngang nhiên nhảy từ lầu xuống đất, ra đường có cảm giác xe cộ chạy rất chậm nên rồ ga phóng nhanh, tự cấu xé mình... gây nguy hiểm tính mạng. Nhiều trường hợp do đòi hỏi tình dục tăng cao nên tìm cách "xả đá" với việc sinh hoạt tình dục tập thể, dẫn đến nhiều bệnh lây truyền.
Hiện người nghiện ma túy đá chưa có phác đồ điều trị nên việc cai nghiện gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ tái nghiện cao. "Để tránh các hậu quả trên, ngoài việc ngăn chặn lưu hành bất hợp pháp ma túy, điều quan trọng là cần giúp thanh thiếu niên hiểu về tác hại của ma túy. Gia đình, các tổ chức cộng đồng cần tham gia tích cực trong việc giáo dục, định hướng con em", bác sĩ Trụ chia sẻ.
Lê Phương