"Thông qua sự hòa giải của chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đóng tại Nagorno-Karabakh, thỏa thuận về việc chấm dứt hoàn toàn các hành động thù địch từ 13h ngày 20/9 (16h giờ Hà Nội) đã được thống nhất", phe ly khai Nagorno-Karabakh thông báo.
Lệnh ngừng bắn được đưa ra một ngày sau khi quân đội Azerbaijan thông báo bắt đầu "các hoạt động chống khủng bố địa phương" tại Nagorno-Karabakh. Azerbaijan trước đó cho biết 6 công dân nước này đã thiệt mạng do mìn trong hai sự việc riêng biệt và đổ lỗi cho "các nhóm vũ trang phi pháp người Armenia".
Phe ly khai cho biết Azerbaijan đã vượt qua phòng tuyến của họ và chiếm giữ một số điểm chiến lược, khiến lực lượng của họ chịu nhiều tổn thất. Armenia nói rằng ít nhất 32 người ở khu vực ly khai đã thiệt mạng, nhiều người bị thương.
"Trong tình hình hiện tại, cộng đồng quốc tế đã chưa làm đủ để chấm dứt xung đột và giải quyết tình hình. Xem xét tất cả những điều này, chính quyền Cộng hòa Artsakh chấp nhận đề nghị ngừng bắn của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga", phe ly khai cho biết, sử dụng cái tên họ gọi vùng lãnh thổ.
Họ đồng ý giải giáp và giải tán lực lượng. Tuyên bố cũng nêu rằng lực lượng vũ trang Armenia, thân với phe ly khai, sẽ rút khỏi vùng này.
Phe ly khai còn chấp thuận đề xuất từ chính quyền Azerbaijan về các cuộc đàm phán nhằm tái hòa nhập khu vực này vào Azerbaijan.
"Các vấn đề mà phía Azerbaijan nêu ra về tái hòa nhập, đảm bảo quyền và an toàn của người Armenia ở Nagorno-Karabakh sẽ được thảo luận trong cuộc họp giữa đại diện người Armenia và chính phủ Azerbaijan, diễn ra tại thành phố Yevlakh vào ngày 21/9", phe ly khai cho biết.
Bộ Quốc phòng Azerbaijan nhanh chóng xác nhận lệnh ngừng bắn, khẳng định phe ly khai đã đầu hàng. Họ cho biết lực lượng vũ trang Armenia đóng tại khu vực Nagorno-Karabakh và tất cả "nhóm vũ trang bất hợp pháp" sẽ phải giải giáp. Họ sẽ phải bàn giao tất cả đạn dược và thiết bị quân sự hạng nặng.
Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Azerbaijan Hikmet Hajiyev khẳng định Baku sẽ đảm bảo "lối đi an toàn" cho chiến binh phe ly khai đã hạ vũ khí. Ông không nói rõ lực lượng ly khai sẽ đi đâu nhưng nhiều khả năng họ sẽ đến Armenia.
Diễn biến mới được coi là chiến thắng lớn của Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev trong nỗ lực đưa Nagorno-Karabakh trở lại dưới sự kiểm soát của Baku. Trong khi đó, tại Yerevan, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan bị chỉ trích nặng nề và đối mặt những lời kêu gọi từ chức.
Ông Pashinyan phát biểu trên truyền hình rằng Armenia không có lực lượng đồn trú ở Nagorno-Karabakh và họ không tham gia vào quá trình xây dựng lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, ông khẳng định việc duy trì lệnh ngừng bắn là "rất quan trọng". Pashinyan hy vọng lực lượng gìn giữ hòa bình Nga sẽ đảm bảo để 120.000 cư dân gốc Armenia ở Nagorno-Karabakh có thể "tiếp tục sống trong nhà, trên đất của họ".
Reuters mô tả rằng hàng nghìn người gốc Armenia lo sợ về tương lai đã tập trung tại sân bay Stepanakert của Nagorno-Karabakh. Những người khác đến các khu trại của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga.
Một số người Armenia tức giận với Nga, cho rằng họ đã không làm đủ để ngăn chặn xung đột. Điện Kremlin bác bỏ chỉ trích này, nói rằng về mặt pháp lý, Azerbaijan đang hành động trên lãnh thổ của mình và Armenia đã công nhận Nagorno-Karabakh là một phần của Azerbaijan.
Tổng thống Nga Putin khẳng định lực lượng nước này nỗ lực hết sức để bảo vệ dân thường. Ông cho biết hơn 2.000 dân thường trú ẩn tại doanh trại của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga, trong đó có hơn 1.000 trẻ em.
Nagorno-Karabakh tách khỏi Azerbaijan kể từ khi lực lượng ly khai thân Armenia kiểm soát vùng này sau cuộc chiến đầu thập niên 1990. Hai bên nhiều lần đụng độ sau đó, đỉnh điểm là cuộc chiến năm 2020, giúp Azerbaijan giành lại một phần lãnh thổ từ phe ly khai.
Armenia tháng 11/2020 chấp nhận ký thỏa thuận ba bên với Azerbaijan và Nga để chấm dứt 6 tuần giao tranh ác liệt khiến hàng nghìn người thiệt mạng tại vùng xung đột Nagorno-Karabakh.
Theo thỏa thuận Karabakh, Armenia trả lại 4 vùng lãnh thổ đang kiểm soát cho Azerbaijan, Nga triển khai gần 2.000 lính gìn giữ hòa bình vào hành lang kiểm soát rộng khoảng 5 km ngăn giữa khu vực Nagorno-Karabakh và Armenia trong 5 năm. Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan khi đó mô tả quyết định này là "đau đớn".
Căng thẳng ở Nagorno-Karabakh leo thang từ năm ngoái, khi Nga tập trung nguồn lực cho chiến sự ở Ukraine và suy giảm ảnh hưởng ở vùng Kavkaz, nơi được coi như "sân sau" của Moskva.
Ngọc Ánh (Theo AFP, Reuters)