Washington Post dẫn lời của Mina Yoon, một cô gái từng sống ở Triều Tiên, cho hay tại nước này không có những dịch vụ thẩm mỹ phức tạp như gọt hàm, nhưng việc cắt mí hay xăm mày, xăm môi không khó tìm.
Từ đầu những năm 2000, dịch vụ xăm môi, xăm mày bắt đầu trở nên phổ biến ở Triều Tiên.
"Khi đó, tôi còn là học sinh trung học. Giống như hầu hết các cô gái ở tuổi này, tôi và bạn bè luôn bị ám ảnh về vẻ bề ngoài", Yoon kể. "Một vài người bạn cùng lớp của tôi thậm chí còn báo ốm và xin nghỉ học vài ngày. Tuy nhiên, khi trở lại lớp, trông họ khác hẳn so với trước đó. Khi số học sinh xin nghỉ học để phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng tăng, trường phải đề ra những quy định nghiêm ngặt về vấn đề này".
Một trong số các biện pháp của giám thị trường học là bất ngờ xuất hiện ở lớp để kiểm tra xem học sinh nào có mắt hai mí nhờ phẫu thuật.
"Nhờ gene của mẹ, tôi sinh ra đã có một đôi mắt to với hai mí tự nhiên, trông rất giống mắt đã qua phẫu thuật", cô nói. "Tôi phải cố gắng giải thích với các giám thị về chuyện này. Bạn bè cũng phải xác nhận rằng tôi có đôi mắt to tự nhiên".
Học sinh nào bị phát hiện "làm đẹp bằng dao kéo" sẽ phải viết bản kiểm điểm hoặc bị phạt lao động công ích vài ngày. Có lúc, họ còn được yêu cầu đóng góp vật liệu xây dựng cho nhà trường như sơn hoặc xi măng.
Phẫu thuật thẩm mỹ là một hoạt động bất hợp pháp ở Triều Tiên nên các bác sĩ thường phải mang theo dụng cụ y tế đến nhà bệnh nhân và thực hiện phẫu thuật tại đó. Vì vậy, kết quả sau khi phẫu thuật thường không được trau chuốt. Nhiều bệnh nhân phải chấp nhận vẻ ngoài không mấy tự nhiên hoặc chịu đựng các tác dụng phụ hậu phẫu thuật.
Dịch vụ cắt mí ở Triều Tiên chỉ có giá 2-3 USD, tương đương 1-1,5 kg gạo. Số tiền này không phải là nhỏ đối với nhiều người dân lao động ở nước này, nhưng cũng không phải là quá đắt đỏ để có được một đôi mắt ưng ý.
"Đối với những cô gái sinh ra đã mang đôi mắt híp thì một đôi mắt to tròn, hai mí là phép màu giúp họ thực hiện được mơ ước trở nên xinh đẹp hơn", Yoon nói. "Một vài người bạn của tôi không có tiền phẫu thuật nên phải dùng băng dính trong suốt để tạo mí. Tuy nhiên, độ dính của nó không được lâu, vì thế những cái 'mí mắt' này rất hay rơi xuống hoặc treo lủng lẳng trên mắt".
Không giống như xẻ mí, việc nâng mũi phức tạp hơn nên cũng đòi hỏi các bác sĩ phải có trình độ chuyên môn cao hơn. Ở Triều Tiên, số bác sĩ thực hiện thành công dịch vụ phẫu thuật này không nhiều. Vì thế, giá cả cho việc nâng mũi cũng đắt đỏ và hầu như chỉ dành cho những người khá giả.
Sau khi sang Hàn Quốc, Yoon cho hay cô rất ngạc nhiên khi nhìn thấy những biển hiệu quảng cáo phẫu thuật thẩm mỹ giăng đầy trên đường phố. Cô nhận thấy công nghệ làm đẹp ở đây rất phổ biến, giúp các cô gái mang vẻ đẹp khá tự nhiên.
Yoon cũng hài lòng và tự tin hơn khi học được nhiều "mẹo" trang điểm khác nhau từ bạn bè Hàn Quốc để khiến mặt cô trông thon gọn mà không cần phải nhờ đến sự can thiệp của "dao kéo".
Nhân Mã