Biển quảng cáo phẫu thuật hàm tại ga tàu điện ngầm ở Seoul. Ảnh: AFP |
Hàng loạt những ngôi sao Hàn Quốc xuất hiện trên truyền hình kể về "cuộc đời mới" của mình, trong khi các mẩu quảng cáo ca ngợi tác dụng của mỹ phẩm xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ biển hiệu ở ga tàu điện ngầm, tạp chí và Internet. Nhưng được ưa chuộng nhất hiện nay là gọt hàm.
Phẫu thuật hàm ban đầu được dùng để cải thiện những biến dạng bẩm sinh trên khuôn mặt hoặc những người bị ảnh hưởng đến việc nhai nuốt. Khi đó bác sĩ sẽ cải tạo lại xương hàm trên và hàm dưới. Kết của của việc gọt hàm này là xương hàm dưới thường trở nên gọn hơn, làm bùng nổ ngành công nghiệp làm đẹp ở Hàn Quốc.
Một khuôn mặt nhỏ với "cằm chữ V", sống mũi cao và mắt to được coi là biểu hiện của vẻ đẹp nữ tính của phụ nữ Á Đông. "Phẫu thuật này làm cho bạn thay đổi rất nhiều, khác với Botox hay sửa mũi, bởi vì nó thay đổi toàn bộ cấu trúc xương mặt của bạn", Choi Jin-young, giáo sư khoa răng hàm mặt của Đại học Quốc gia Seoul nói.
"Tuy nhiên, đây là một phẫu thuật rất phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Phẫu thuật này phải đảm bảo không có sai sót để người ta có một khuôn mặt nhỏ gọn và xinh xắn", Choi nói với AFP. Các thủ tục, bao gồm cả gây mê và phải mất vài tháng để hồi phục, kèm theo những nguy cơ biến chứng như cứng thậm chí tê liệt cơ mặt.
Số liệu của Hiệp hội Bác sĩ Phẫu thuật Quốc tế cho thấy Hàn Quốc là một trong những nước có tỷ lệ người phẫu thuật thẩm mỹ cao nhất thế giới.
Một lượng lớn các ngôi sao giải trí được cho là đã trả rất nhiều tiền cho bác sĩ để phẫu thuật hàm, sau đó xuất hiện trên truyền hình nói rằng việc phẫu thuật đã đem lại "cơ hội bước ngoặt" cho sự nghiệp và cuộc sống cá nhân của họ.
Không có con số chính thức bao nhiêu cuộc phẫu thuật gọt hàm đã được tiến hành. Một nghiên cứu gần đây ước tính là khoảng 5.000 ca mỗi năm, nhưng không nói rõ là phẫu thuật bệnh lý hay thẩm mỹ. Trong đó, khoảng 52% những người phẫu thuật gặp vấn đề với cảm giác tê mặt, nghiên cứu cho hay.
Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng ở Seoul cũng nhận được các đơn khiếu nại tăng từ 29 trong năm 2010 lên đến 89 trong năm 2012 và còn nhiều trường hợp không hài lòng khác nhưng không thông báo.
"Miệng của tôi bị lệch về bên trái và khu vực hàm bị tê liệt", một người đã phẫu thuật viết trên diễn đàn y khoa kèm với ảnh vùng miệng của cô. "Tôi thậm chí không thể cảm nhận được khi nước bọt chảy ra khỏi miệng".
|
Một người nhìn bảng quảng cáo về phẫu thuật cằm tại Seoul. Ảnh: AFP |
Tháng 8 năm ngoái, một sinh viên 23 tuổi sau khi phẫu thuật hàm đã tự sát. Cô để lại bức thư trăng trối nói rằng phẫu thuật khiến cô không thể nhai thức ăn và không thể cầm nước mắt do bị tổn thương tuyến lệ.
Shin Hyon-Ho, một luật sư chuyên các vụ kiện về y khoa ở Seoul, nói ông đã tham gia nhiều vụ việc mà kết quả phẫu thuật là đau hàm mãn tính, miệng lệch, răng lệch và không có khả năng nhai hoặc mỉm cười.
"Số lượng các ca phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng tăng lên... kèm theo biến chứng ngày càng nặng hơn", Shin nói.
Một bác sĩ thuộc Trung tâm Phẫu thuật Chỉnh hình và Tái tạo của Hàn Quốc nói hiện tượng bùng nổ phẫu thuật thẩm mỹ bắt đầu từ 4 năm trước khi các cơ sở răng hàm mặt mở chiến dịch quảng cáo lớn về thẩm mỹ và mỹ phẩm. Họ cũng giảm giá phẫu thuật để nhiều người có thể sử dụng dịch vụ hơn.
"Chúng ta thấy số lượng biến chứng tăng lên là vì số lượng ca phẫu thuật tăng cao trong một thời gian ngắn. Quả thực, ban đầu phẫu thuật dùng để chỉnh hình biến dạng hàm, nhưng chúng ta không thể trách ai đó vì họ nhờ phẫu thuật mà trở nên xinh đẹp hơn, nhất là ở một nơi như Hàn Quốc, nơi mà sắc đẹp rất quan trọng với người phụ nữ", bác sĩ cho hay.
Những biển hiện quảng cáo phẫu thuật thẩm mỹ xuất hiện ở khắp nơi trong thành phố. "Phẫu thuật hàm được những người phụ nữ khó tính nhất lựa chọn", "Mọi người đều đã phẫu thuật thẩm mỹ, trừ bạn"... là hai trong số các biển quảng cáo ở ga tàu điện ngầm hay xe buýt.
Một nhà lập pháp ở Seoul hồi tháng 1 đề xuất thiết lập giới hạn tuổi cho việc phẫu thuật và lưu ý về nguy hiểm của phẫu thuật liên quan đến xương.
Tuy nhiên, Lim In-Sook, giáo sư của Đại học Hàn Quốc, nói rằng có những nguyên nhân sâu xa khiến phụ nữ phải mạo hiểm sức khỏe để có được khuôn mặt xinh đẹp hơn.
"Đây là một quốc gia ưu tiên nam giới do đó phụ nữ cần phải có cả trí óc và sắc đẹp, thậm chí là cần sắc đẹp hơn trí óc, để có được việc làm, để lấy được chồng và để được tồn tại trong mọi khía cạnh của cuộc sống", bà Lim nói.
Phẫu thuật thẩm mỹ, theo bà Lim, đã được xã hội Hàn chấp nhận là biện pháp hữu hiệu để giúp bạn tồn tại trong một xã hội cạnh tranh.
"Do đó, ngày nay, một phần của cơ thể chúng ta sẽ phải hy sinh và chịu đựng đau đớn. Hôm nay, bộ phận đó là cằm nhưng ai biết ngày mai chúng ta sẽ phải sửa những gì nữa?", bà nói.
Vũ Hà (theo AFP)