Lò Thị Lệ là người dân tộc Thái đến từ Sơn La. Cô gái trẻ bị côn trùng cắn khi được 8 tháng tuổi nhưng vì còn quá nhỏ, cô không thể chịu được ngứa nên liên tục gãi, dẫn đến nhiễm trùng. Sau đó, cô bị hoại tử toàn bộ vùng mũi, biến dạng mô mũi và sẹo co rút nghiêm trọng khiến gương mặt trông khó coi và mất thẩm mỹ. Khi trưởng thành, Lệ mất tự tin vì chiếc mũi "không giống ai" và bị bạn học chê bai. Nhìn con gái thường xuyên rơi nước mắt sau mỗi lần tới trường, bố của Lệ xót ruột con gái và từng khuyên cô nghỉ học nếu không cảm thấy vui vẻ.
Quyết tâm giành lấy cơ hội thay đổi ngoại hình, Lò Thị Lệ đăng ký chương trình "Hành trình Lột xác" của Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam. Cô được TS.BS Richard Huy (Dr. Richard Huy), Giám đốc chuyên môn của bệnh viện kiêm trưởng ê-kíp chương trình, tiếp nhận.
"Đây là tình trạng khuyết hỏng nặng vùng mũi, biến dạng rất khó sửa vì toàn bộ cấu trúc đầu, cánh, vách ngăn mũi đã không còn. Sẹo co rút nặng nề, thậm chí vẫn còn ổ viêm sưng to bên trong", vị bác sĩ cho biết.
Để tái tạo lại cấu trúc mũi cho Lệ, bác sĩ Richard Huy áp dụng nhiều kỹ thuật khác nhau, bao gồm đồng bộ khung cấu trúc kết hợp sử dụng vạt da tự thân để che phủ cả phần niêm mạc bên trong và bên ngoài dáng mũi, nhằm phục hình lại dáng mũi như bình thường. Ông chia sẻ quá trình phục hồi dáng mũi cho Lệ cần thực hiện nhiều giai đoạn, đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối để phục hình lại dáng mũi và đảm bảo cô có thể thở dễ dàng sau khi hoàn tất điều trị.
Quá trình phẫu thuật cho Lệ trải qua 5 giai đoạn. Thứ nhất là đặt túi giãn da và tạo hình lại phần sẹo. Vì phần cấu trúc xung quanh mũi có sẹo nhiều, gần như không thể sử dụng được vạt da tại chỗ, bác sĩ cùng ê-kíp bắt buộc phải dùng vạt da từ xa để che phủ khuyết hỏng cho vùng mũi.
"Quá trình đặt túi giãn da tạo vạt da trên trán gặp nhiều khó khăn khi bơm nước, vì chúng tôi phải điều trị kháng sinh xử lý nhiễm trùng, sau đó mới tiếp tục bơm nước vào túi giãn", ông cho biết.
Giai đoạn hai là chuyển vạt và tạo hình mũi. Do mô mềm ở mũi khuyết thiếu nhiều nên các bác sĩ quyết định sử dụng sụn sườn để tái tạo toàn bộ cấu trúc đầu, cánh và vách ngăn mũi, đồng thời chuyển vạt da tạo hình mũi. Quá trình này đòi hỏi kỹ thuật cao và tỉ mỉ từ bác sĩ. Giai đoạn ba là làm mỏng vạt mũi, nâng đầu mũi sụn tai và cấy mỡ. Ở giai đoạn này, các bác sĩ tập trung làm mỏng vạt mũi đã được tạo hình để nâng cao cấu trúc đầu mũi, bác sĩ Richard Huy sử dụng sụn tai để tạo hình đầu mũi tự nhiên hơn. Ngoài ra, để khôi phục sự mềm mại cho vùng mũi, ông tiến hành cấy mỡ Nanofat tái tạo mô mềm, làm đầy các vùng thiếu hụt.
Giai đoạn bốn là sửa biến dạng co kéo và làm mỏng vạt lần hai. Với những biến dạng co kéo nặng nề, bác sĩ thực hiện điều chỉnh lại, đồng thời làm mỏng vạt mũi lần hai để khắc phục các bất thường và tạo sự đồng đều cho dáng mũi. Cuối cùng là cắt cuống mũi, làm mỏng vạt lần 3 và hoàn thiện. Theo đó, bác sĩ tiến hành cắt cuống mũi để tinh chỉnh hình dáng, đồng thời thực hiện làm mỏng vạt mũi lần thứ ba. Các bước này giúp hoàn thiện kết quả phẫu thuật, đảm bảo mũi có hình dáng tự nhiên và cân đối. Trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, Lò Thị Lệ có được dáng mũi hoàn thiện và hài hòa với gương mặt.
Bác sĩ Richard Huy hiện là một trong những tên tuổi có tiếng trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ tại Việt Nam. Ông trực tiếp tham gia cố vấn và phẫu thuật cho những trường hợp khiếm khuyết nặng trong "Hành trình lột xác" như: cô gái mặt lõm Ninh Thị Thu Hường, cô gái "đeo vương miện sắt" Xuân Mai, Diệu Linh, Phan Thị May... Nhờ sự hỗ trợ từ ông, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn và kém may mắn về ngoại hình đạt được ước mơ thay đổi cuộc sống.
Như Ý