- Tăng trưởng xanh, bền vững ngày càng được nhiều doanh nghiệp chú trọng, quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
- Dân số thế giới ngày càng tăng lên, dẫn tới nhu cầu tiêu dùng tăng theo, trong khi đó tài nguyên thiên nhiên lại hữu hạn. Nếu không tìm cách tái sử dụng các tài nguyên thiên nhiên thì sẽ đến lúc chúng ta không còn gì cho sản xuất và tiêu dùng. Nếu tiếp tục duy trì cách sản xuất cũ với mức phát thải khí nhà kính cao, hệ lụy kéo theo sẽ là ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng tới biến đổi khí hậu.
Từ lâu, Tetra Pak đã đặt phát triển bền vững là chiến lược trung tâm, dẫn dắt mọi quyết định kinh doanh. Chúng tôi tin rằng, chỉ có thực hành bền vững trong toàn bộ chuỗi giá trị mới có thể đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng do dân số liên tục tăng lên, mà không tạo ra các tác động tiêu cực tới môi trường và khí hậu. Điều này đòi hỏi nỗ lực liên tục không ngừng nghỉ trong lâu dài. Tôi tin rằng, các doanh nghiệp khi đã nhận thức được điều này và với tầm nhìn dài hạn đều không coi đây chỉ là xu hướng nhất thời.
- Theo bà, doanh nghiệp nên tiếp cận tăng trưởng xanh như thế nào để đảm bảo hài hòa lợi ích với môi trường và xã hội?
- Sẽ không có mô hình bền vững nào chung cho mọi doanh nghiệp. Một cách tiếp cận phù hợp cần bám sát vào thực tế của cộng đồng, nơi doanh nghiệp hoạt động và chiến lược kinh doanh của công ty.
Tại Tetra Pak, mỗi thị trường, chúng tôi cũng có những điều chỉnh khác nhau. Với cam kết bảo vệ điều tốt đẹp (Protect What’s Good), trong đó có bảo vệ thực phẩm, con người và trái đất, chiến lược bền vững của Tetra Pak tập trung vào cải thiện hệ thống thực phẩm, chống biến đổi khí hậu, xây dựng kinh tế tuần hoàn, bảo vệ tự nhiên và tăng cường trách nhiệm xã hội. Đây cũng là năm trụ cột chính chúng tôi áp dụng trên toàn cầu. Tuy nhiên tùy vào thực tế xã hội và môi trường ở mỗi thị trường, sự ưu tiên cho năm trụ cột này sẽ những khác biệt.
- Sự khác biệt này tại Việt Nam như thế nào?
- Tại Việt Nam, vấn đề mà xã hội quan tâm là ô nhiễm môi trường do rác thải. Vì vậy, ưu tiên của chúng tôi là xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, trong đó, sử dụng nguyên liệu tái sinh được khai thác có trách nhiệm để sản xuất hộp giấy đựng đồ uống, thúc đẩy công tác thu gom và tái chế các hộp giấy này sau khi sử dụng.
Cùng với các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống cũng như các đối tác công - tư, chúng tôi cố gắng nâng cao năng lực thu gom và tái chế vỏ hộp giấy sau khi sử dụng, tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc phân loại và tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống.
Bên cạnh đó, để góp phần vào mục tiêu chống biến đổi khí hậu, chúng tôi cũng áp dụng đa dạng các giải pháp tiên tiến để giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động sản xuất vỏ hộp giấy đựng đồ uống trong nhà máy tại Bình Dương của Tetra Pak.
- Những hoạt động này cụ thể là gì, thưa bà?
- Với mục tiêu thúc đẩy tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống, chúng tôi đã và đang hợp tác với các đối tác địa phương là các đơn vị thu gom, tái chế, cơ sở giáo dục, chuỗi bán lẻ và hiệp hội để triển khai hai nhóm công việc chính. Thứ nhất là, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phân loại và thu gom vỏ hộp giấy. Thứ hai là, cải thiện năng lực thu gom và tái chế bao bì vỏ hộp giấy đựng đồ uống.
Trong công tác đầu tiên, chúng tôi đã cùng với các đối tác triển khai các hoạt động giáo dục cho hàng triệu học sinh tại hơn 2.000 trường mẫu giáo và tiểu học ở TP HCM, Hà Nội và một số địa phương khác từ năm 2019 tới nay. Ngoài ra, chúng tôi còn kết hợp với các đối tác tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức cho người dân tại các khu chung cư, các trung tâm mua sắm như MM Mega Market và Aeon Mall...
Ở công tác thứ hai, Tetra Pak kết hợp với các hiệp hội như PRO Việt Nam để thúc đẩy việc thu gom vỏ hộp giấy đã qua sử dụng thông qua khối thu gom phi chính thức (cụ thể là những cá nhân mua bán đồng nát/ve chai, các vựa phế liệu...). Đây là nhóm đang đóng góp chủ yếu vào việc phân loại các vật liệu có thể tái chế ra khỏi rác thải sinh hoạt nói chung, do hệ thống phân loại tại nguồn ở nước ta còn chưa được thiết lập. Chúng tôi cũng hợp tác với các đối tác như VECA (ứng dụng di động kết nối người có nhu cầu mua và bán phế liệu) và Lagom để mở rộng mạng lưới thu gom vỏ hộp giấy trong cộng đồng. Vỏ hộp giấy sau khi thu gom sẽ được chuyển đến các đối tác tái chế là các nhà máy giấy như Đồng Tiến và Thuận An ở phía Nam, nhà máy giấy Vạn Điểm ở phía Bắc, để tái chế thành các sản phẩm giấy đa dạng (giấy bao gói, bìa carton...) và tấm lợp sinh thái.
Gần đây, Tetra Pak cũng đầu tư hơn 1,2 triệu euro để nâng cấp dây chuyền tái chế vỏ hộp giấy của Đồng Tiến từ 9.000 tấn một năm lên 17.000 tấn một năm, góp phần nâng cao năng lực tái chế vỏ hộp giấy tại Việt Nam.
- Đối với biến đổi khí hậu, Tetra Pak có sáng kiến gì để giải quyết vấn đề này tại Việt Nam?
- Nguyên nhân chính dẫn tới biến đổi khí hậu là việc phát thải khí nhà kính từ các hoạt động của con người. Vì thế, Tetra Pak đặt mục tiêu đưa phát thải khí nhà kính về không trong mọi hoạt động sản xuất của mình vào năm 2030.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, nhà máy Tetra Pak tại Bình Dương là một trong những nhà máy sản xuất bao bì đầu tiên đạt chứng nhận toàn cầu LEED Gold 4 phiên bản vàng cho các hoạt động về bền vững. Bằng việc áp dụng tiêu chuẩn này, trung bình mỗi năm, nhà máy tiết kiệm 2 triệu lít nước, tái sử dụng và tái chế 90% lượng rác thải và giảm phát thải 4.000 tấn khí CO2 ra môi trường.
Nhà máy cũng mới hoàn thành việc lắp đặt các tấm năng lượng mặt trời trên diện tích mái gần 5.900 m2. Những tấm quang năng này có thể tạo ra gần 1.800 Mwh năng lượng điện tái tạo mỗi năm, giúp giảm hơn 700 tấn khí CO2 thải ra môi trường.
Trong tương lai, chúng tôi sẽ nghiên cứu để áp dụng thêm nhiều biện pháp nhằm đạt được mục tiêu giảm khí nhà kính về không.
Tuệ Anh