Khi bước vào một trung tâm mua sắm tại Bình Nhưỡng, Rudiger Frank, người đứng đầu khoa Đông Á tại đại học Vienna, Áo cảm thấy kinh ngạc. Hàng chục loại kem đánh răng được bày bán, nào là kem đánh răng cho trẻ em, kem làm trắng răng, thậm chí còn có kem đánh răng "công nghệ nano" với giá khoảng 33 USD mỗi tuýp, theo CSMonitor.
"Triều Tiên đang ở giữa giai đoạn chuyển mình. Nhiều thập kỷ trước đây, các nhà lãnh đạo coi việc có nhiều loại sản phẩm tiêu dùng là lãng phí, thậm chí là dấu hiệu tư sản. Giờ đây, 10 loại kem đánh răng ư? Tốt thôi, nếu người tiêu dùng mua chúng và đem lại lợi nhuận", ông Frank viết về chuyến đi của mình trên 38 North, một trang tin về Bình Nhưỡng. "Những tư tưởng mới đang hình thành. Sự cạnh tranh diễn ra khắp mọi nơi".
Giống như nhiều điều ở Bình Nhưỡng, câu trả lời chính xác cho xu hướng phát triển kinh tế mới vẫn là ẩn số. Gần như không thể có được số liệu chính thức. Nhưng một số nhà phân tích theo dõi tình hình kinh tế Triều Tiên cho rằng nó là dấu hiệu của sự thịnh vượng - mục tiêu chính của nhà lãnh đạo Kim Jong-un để nắm chặt quyền lực. Bài toán đặt ra là mỗi bước tiến tới sự cải cách kinh tế lại là bước đi xa khỏi nguyên tắc kinh tế kế hoạch tập trung kiểu xã hội chủ nghĩa, Michael Holtz, cây bút của CSMonitor đánh giá.
Dĩ nhiên, kinh tế Triều Tiên còn xa mới tới giai đoạn bùng nổ, và đói nghèo vẫn là vấn đề phổ biến của đất nước 25 triệu dân. Cứ 5 người thì có hai người thiếu ăn, hơn 70% số dân phụ thuộc vào viện trợ lương thực, theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc hồi tháng ba. Thiếu hụt xăng dầu xảy ra trong tháng này đã khiến giá tăng đột ngột và dấy lên nỗi lo ngại kinh tế giảm sút.
Nhưng sự tăng trưởng kinh tế mà Triều Tiên đạt được, dù không nhiều, cho thấy rằng tham vọng của ông Kim không chỉ giới hạn ở việc phát triển đầu đạn hạt nhân có khả năng tấn công lãnh thổ Mỹ mà xa hơn thế.
Chương trình hạt nhân chỉ là một nửa trong chiến lược "byungjin" của ông Kim, hay còn được gọi là "tiến bộ đồng thời". Phát triển kinh tế là nửa còn lại - điều được cho là chứa nhiều tham vọng của ông Kim hơn.
Andrei Lankov, một nhà sử học về Triều Tiên tại Đại học Kookmin ở Seoul cho rằng ông Kim mong muốn cải thiện nền kinh tế bằng cách dần dần tháo dỡ chế độ kiểm soát kinh tế để tạo cơ hội cho kinh doanh tư nhân - điều mà Trung Quốc đã làm vào cuối những năm 1970.
Khu vực tư nhân chiếm 30 - 50% tổng sản phẩm quốc nội ở Triều Tiên. Bằng cách để cho khu vực này phát triển, ông Kim có thể ngăn được nguy cơ người dân phản đối do kinh tế trì trệ và nhận thấy có cuộc sống tốt hơn ngoài đất nước. Thách thức hiện tại của ông Kim là vừa cải cách nền kinh tế sâu hơn vừa duy trì sự kiểm soát của nhà nước, ít ra là về danh nghĩa.
"Nếu ông Kim thừa nhận chính sách cải cách mới, nó sẽ gây nên sự bất ổn định, vì điều đó là có nghĩa là chính sách cũ của ông nội ông không hoàn hảo", ông Lankov đề cập đến nhà lập quốc Triều Tiên Kim Nhật Thành. Nhưng theo đuổi cải cách mới chính là "những gì ông Kim đang làm", Lankov nhận xét.
Những thay đổi về kinh tế đang hiện hữu trên đường phố Bình Nhưỡng. Giao thông trở nên nhộn nhịp hơn trong những năm gần đây do lượng ôtô và taxi trở nên phổ biến hơn. Nổi bật hơn cả là tầng lớp trung lưu giàu có đang ngày một nhiều.
Lankov cho biết một trong những thay đổi lớn nhất được ghi nhận ở ngành nông nghiệp, các trang trại tư nhân được thành lập, năng suất được tăng cao. Tuy nhiên, một số nhà phân tích hoài nghi về tính thành công và phổ biến mà cải cách đạt được. Một số khác lại đặt câu hỏi liệu chính sách kinh tế của ông Kim có đủ tiêu chuẩn để gọi là cải cách hay không.
Marcus Noland, chuyên gia về kinh tế Triều Tiên tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington, nói rằng nhà lãnh đạo này đã nới lỏng các hạn chế đối với hoạt động kinh tế trong nước thay vì loại bỏ chúng.
"Theo tôi thì ông Kim chưa thực hiện cải cách. Những gì ông ấy đang làm là giảm sự hạn chế của luật pháp lên kinh tế và hợp pháp hóa các hoạt động kinh tế", chuyên gia Noland nhận xét.
Chẳng hạn, việc mở một doanh nghiệp tư nhân vẫn là bất hợp pháp, tuy nhiên trong luật lệ tồn tại những "kẽ hở". Các doanh nhân có mối quan hệ tốt có thể mua tư cách là công ty nhà nước với giá hợp lý.
Không giống như cha và ông nội, Kim Jong-un dường như có thái độ dễ chịu với đồ hiệu, đồ xa xỉ. Ông chấp nhận việc phân hoá trong xã hội dựa trên khả năng tiếp cận với tiền và sự giàu có", ông Noland đánh giá thêm.
Không chắc chắn liệu việc ông Kim ngầm chấp nhận những hoạt động này có thể dẫn tới sự thay đổi chính sách chính thức hay không. Đây là một điều khó dự đoán nhưng Benjamin Katzeff Silberstein, một học giả tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở Philadelphia, đồng thời là đồng biên tập trang blog chuyên về kinh tế Triều Tiên, cho rằng sự lãnh đạo của ông Kim dường như đang đi theo hướng đó.
"Xu hướng hình thành các cơ chế thị trường, đặc biệt kể từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền, là một hướng đi mới. Nói chung, chính phủ có nhiều khả năng kiểm soát một 'đường lối' vốn là thứ không chấp nhận được trong tư tưởng xã hội chủ nghĩa trước kia", ông Benjamin nói thêm.
Một bài báo được phát hành hồi tháng 4 bởi Đại học Kim Nhật Thành - đại học danh tiếng nhất Triều Tiên, đã nhắc đến sự chuyển dịch nguyên tắc kinh tế của Bình Nhưỡng, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng lợi nhuận các doanh nghiệp.
Bài báo có đoạn viết: "Lợi nhuận thu được từ các doanh nghiệp cá nhân là nền tảng cho một nền kinh tế mạnh". Nhưng bài báo cẩn thận không đề cập đến việc chấm dứt sự kiểm soát kinh tế của nhà nước: "Trong hệ thống xã hội chủ nghĩa của đất nước chúng ta, các hoạt động quản lý độc lập của doanh nghiệp sẽ diễn ra dưới sự kiểm soát của đảng".
Xem thêm: Bên trong nhà chung cư của một gia đình Triều Tiên
Trọng Nghĩa