"Tiền trực thăng" (helicopter money) là thuật ngữ giới kinh tế học đặt tên cho khoản cứu trợ trực tiếp, ví như cách dùng trực thăng thả tiền xuống cho dân chúng. Mỗi người lớn vừa được nhận 1.200 USD và mỗi trẻ em được nhận 500 USD tiền trợ cấp Covid-19 do chính phủ liên bang chia cho các gia đình bị ảnh hưởng, mất việc. Tiền được chuyển trực tiếp vào tài khoản hay bằng séc đến tận nhà người nhận.
Nước Mỹ đang chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong vòng gần trăm năm nay. Hơn 30 triệu người đã mất việc. Họ nằm trong số các gia đình có thu nhập thấp được nhận trực tiếp khoản tiền mặt trong gói hỗ trợ hơn 2 nghìn tỷ USD từ ngân sách quốc gia. Trong suy thoái kinh tế, việc phát tiền mặt đến thẳng hộ gia đình gần như ngay lập tức cải thiện đời sống dân chúng và an sinh xã hội.
Tôi còn nhớ lần đầu khai thuế thu nhập ở Mỹ gần 20 năm trước. Lúc đó tôi làm trợ giảng ở đại học, thu nhập khá khiêm tốn. Nói cho đúng thì mức thu nhập của tôi, như đa phần sinh viên tiến sỹ khác, được coi là dưới chuẩn nghèo trong xã hội. Thế nhưng nhìn hai đơn khai thuế với gần trăm câu hỏi, tôi chóng hết cả mặt. Tôi phàn nàn với Mary, một tình nguyện viên giúp đỡ sinh viên nước ngoài khai thuế: "Hay thôi cho tớ không điền đơn có được không? Có phạt tiền tớ thì tớ cũng không thể điền xong cái đơn phức tạp thế này được". Cô cười. Với sự giúp đỡ tận tình của Mary, tôi điền xong các đơn trong vòng nửa tiếng. Điều đáng nói là, thủ tục thuế với người làm công ăn lương gần như chỉ có thế. Tháng sau, tôi đã nhận được tiền hoàn thuế chuyển thẳng vào tài khoản của mình. Cho đến tận bây giờ, nhìn chung thủ tục khai thuế và chuyển tiền tiện lợi như vậy chẳng mấy thay đổi trong hai chục năm qua.
Nhờ hệ thống ngân hàng và thanh toán điện tử phát triển, thủ tục chi tiền cho dân ở đây khá đơn giản. Vì hầu hết người dân phải khai thuế hàng năm (dù có phải đóng thuế hay không), chính phủ có thể xác định ngay số hộ trong tiêu chí được trợ giúp dựa trên mức thu nhập khai thuế gần nhất. Nếu nằm trong nhóm đó, bạn không cần phải làm thêm thủ tục nào, nhà chức trách sẽ gửi thẳng tiền cho bạn.
Ở Việt Nam, Chính phủ đã ban hành gói cứu trợ 62 nghìn tỷ Đồng để hỗ trợ nhóm người khó khăn. Gói trợ giúp này rất quan trọng, như tấm nệm đỡ các cú xóc tiêu cực có thể đến cả khi dịch bệnh bước đầu được đẩy lùi. Song, điều tôi băn khoăn là liệu Việt Nam có thể số hóa việc phát tiền cho dân?
Chúng ta thực ra đã số hóa khâu "thu tiền" từ dân, doanh nghiệp. Nhiều dự án điện tử hóa được triển khai các năm qua đã khiến thủ tục kê khai, nộp thuế của doanh nghiệp và người dân đơn giản hơn. Doanh nghiệp chỉ cần có mã số thuế, chứng thư số, máy tính có đường truyền Internet và tài khoản ngân hàng là có thể nộp thuế điện tử. Hầu hết các ngân hàng tại Việt Nam đã kết nối với Tổng cục Thuế để tham gia cung cấp dịch vụ công. Gần như tất cả doanh nghiệp tại Việt Nam đã khai, nộp thuế điện tử. Người dân cũng có thể quyết toán thuế thu nhập cá nhân qua mạng với thủ tục còn đơn giản hơn nữa.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, khâu "phát tiền" từ chính phủ đến dân lại đang bỏ trống. Việc chuyển tiền của các gói giải cứu từ chính phủ đến từng người, hộ có lẽ sẽ phiền toái, chậm trễ, mất công sức bởi phương cách thủ công, như nhiều giao dịch giữa nhà nước với người dân những năm qua. Các cụ hưu trí hay hộ nghèo ở Việt Nam vẫn xếp hàng lĩnh tiền mặt định kỳ là một ví dụ.
Cách chính quyền các cấp đang làm hiện nay là sử dụng bộ máy hành chính để giải ngân. Cấp tỉnh, thành phố dựa vào chính quyền phường, xã để xác định đối tượng cần hỗ trợ. Xác minh xong, họ báo cáo thông tin lên trên, nhận được tiền ngân sách (có thể mất thêm nhiều lần xác minh qua lại) và làm thủ tục chuyển đến các gia đình. Ưu điểm của cách này là tận dụng được bộ máy có sẵn. Nhưng nhược điểm là thủ tục hành chính gây tốn kém thời gian, việc thống kê đi từng ngõ, gõ từng nhà chưa được số hóa mà làm bằng tay có thể gây sai sót, thậm chí có thể thiếu công bằng nếu cán bộ xã "thân" hơn hay "mất cảm tình" hơn với vài hộ gia đình nào. Điều này đã xảy ra không chỉ một lần.
Tin tốt là không quá khó để số hóa việc phát tiền. Chính phủ có thể dựa vào lợi thế hạ tầng Internet khá tốt và số người dùng máy tính, điện thoại thông minh ngày càng nhiều để phát triển một ứng dụng cứu trợ. Với ứng dụng này, cán bộ có thể "quét" các thông tin cần thiết như số chứng minh thư, giấy chứng nhận hộ nghèo. Sau đó, phần mềm tự động tổng hợp thông tin, gửi trực tiếp lên cấp cao hơn.
Nhờ cách làm này, quá trình tổng hợp thông tin được tự động hóa, tiết kiệm công sức, nhanh chóng và ít sai sót. Chính quyền nắm rõ số lao động di cư qua mã số định dạng duy nhất (như số căn cước công dân), dễ xác định thông tin về số hộ cần được giúp đỡ ở từng cấp để hoạch định ngân sách. Các bước giải ngân cũng được quản lý tập trung và minh bạch hơn nhờ hệ thống quản lý dữ liệu số. Việc viết một ứng dụng như vậy đối với các công ty phần mềm ở Việt Nam hiện không quá khó, thậm chí họ có thể tổ chức tập huấn và hỗ trợ kỹ thuật luôn cho cán bộ nhà nước. Cách làm này cũng phù hợp với xu hướng điện tử hóa chính phủ trên thế giới. Nó không chỉ phục vụ cho dịch cúm này mà còn hữu hiệu lâu dài với các chương trình khác. Chính phủ Anh đã tính toán rằng việc tự động hóa một số dịch vụ thay vì sử dụng viên chức sẽ giúp giảm chi phí tới 50 lần.
Những chương trình trợ cấp xã hội ở mọi quốc gia bao giờ cũng gặp hai yêu cầu khó nhất: giải ngân sao cho đúng người nhất và nhanh nhất. Hai yếu tố này nằm trong mối quan hệ thường là đánh đổi. Nếu chỉ tập trung vào việc giải ngân cho thật đúng người, chính quyền có thể mất rất nhiều thời gian xác minh đối tượng, do đó sẽ không kịp thời cứu trợ hộ nghèo và không đạt được mục tiêu ban đầu. Còn nếu chỉ tập trung vào "phát tiền" càng nhanh càng tốt, cán bộ có thể cứu sai đối tượng, đưa tiền cho hộ không đạt tiêu chuẩn cần giúp, hay tệ hơn là bỏ sót hộ gia đình nghèo thực sự.
Tôi tin gấp rút xây dựng được hạ tầng tài chính công để đưa tiền tới tay người dân nhanh chóng và công bằng - chứ không phải chỉ có dân nộp tiền cho chính phủ - là một chìa khóa để "giải cứu" các gói giải cứu.
Đặng Hoàng Hải Anh