Sau khi đọc "Đề xuất giải pháp phạt nguội hiệu quả tại Việt Nam" của độc giả Nguyễn Thành Lập, tôi nghĩ nếu mục đích của giải pháp đưa ra chỉ nhằm thu được số tiền phạt thì là đúng. Nhưng cái quyết định xử phạt phải có chủ thể vi phạm, vậy nếu người lái xe thuê vi phạm giao thông mà biên bản xử phạt lại là ông chủ thuê người lái xe vi phạm thì không đúng và trường hợp nghiêm trọng không chỉ là phạt hành chính bằng tiền mà cón có phạt bổ sung như tịch thu giấy phép lái xe.
Cũng như vậy, nếu chủ xe là cán bộ công chức thì lý lịch của họ sẽ có "vết đen" là không tuân thủ pháp luật, không gương mẫu chấp hành pháp luật của nhà nước, như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến con đường sự nghiệp của chủ xe.
Hoặc như xe của tôi bị đánh cắp và kẻ cắp lái xe của tôi vi phạm luật giao thông, nếu như cách trên thì tôi vừa bị mất xe lại vừa bị phạt tiền.
Hơn nữa để thu được tiền phạt không hề đơn giản kể cả đó là chủ xe, vì quyết định xử phạt phải được người vi phạm chấp thuận thì mới được thực hiện, luật xử phạt hành chính có quy định rất chặt chẽ tránh trường hợp lạm dụng hoặc oan sai.
Theo tôi, vấn đề này có thể giải quyết rất đơn giản như sau: Yêu cầu chủ xe đăng ký với cơ quan quản lý - CSGT số điện thoại và sẽ thông báo lại khi có thay đổi. Như vậy, mỗi khi xe có vi phạm dù là ai điều khiển thì lập tức gửi tin nhắn thông báo cho chủ xe, sau đó chủ xe sẽ có trách nhiệm phối hợp với CSGT để xử lý người vi phạm.
Giải pháp này tránh được xử lý oan sai như xe cho mượn, cho thuê, thuê lái, trộm cắp... đồng thời tính răn đe, nhắc nhở sẽ kịp thời và hiệu quả hơn rất nhiều.
Độc giả Nguyễn Hiền