Điều mà cả nước mong muốn là xây dựng trật tự và an toàn giao thông có lẽ không gì ngoài việc mọi người dân tuân thủ đúng pháp luật, chấp hành tín hiệu và chỉ dẫn giao thông một cách nghiêm túc, tham gia giao thông văn minh lịch sự.
Hiện nay, các biện pháp chủ yếu tập trung vào hình thức xử phạt, đặc biệt là mức phạt nặng. Tuy nhiên, cách làm này mang tính răn đe nhiều hơn là giáo dục. Nó có thể tạo ra sự sợ hãi nhất thời nhưng chưa đủ để thay đổi nhận thức và hành vi một cách bền vững. Phạt cảnh cáo, dù ít được áp dụng, nhưng lại mang ý nghĩa giáo dục lớn. Khi người vi phạm được chỉ rõ lỗi sai và hướng dẫn cách khắc phục, họ sẽ cảm thấy được tôn trọng, từ đó có xu hướng sửa sai tích cực hơn.
Ngược lại, hình phạt nặng thường gây tâm lý chống đối, né tránh hoặc gian dối, sợ hãi tạm thời. Để xây dựng văn hóa giao thông, cần đẩy mạnh giáo dục và phổ biến kiến thức trong cộng đồng, kết hợp với hình ảnh công tâm và thân thiện của lực lượng cảnh sát giao thông. Một chiến sĩ giao thông minh bạch, công bằng và tận tâm không chỉ tạo niềm tin mà còn trở thành hình mẫu tích cực.
Tóm lại, để đạt được mục tiêu giao thông an toàn, chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận trong đó nên ưu tiên giáo dục, truyền thông, kết hợp xử phạt công tâm và xây dựng ý thức tự giác trong cộng đồng. Khi đó, văn hóa giao thông sẽ không chỉ là khẩu hiệu mà sẽ trở thành hiện thực.
Độc giả Van Thuy