"Đôi khi chúng tôi phát hiện những di tích lịch sử, nhưng tôi chưa bao giờ phát hiện bất cứ điều gì kỳ thú như lần này", Ole Petter Hobberstad, kỹ sư trưởng của công ty vận hành mạng lưới điện Statnett, Na Uy, cho biết hôm 10/9 sau khi tìm thấy tàu tuần dương Karlsruhe của hải quân Đức Quốc xa.
Tàu Karlsruhe, dài 174 mét, hạ thủy năm 1927 và từng tham gia cuộc xâm lược Na Uy trong Thế chiến II. Sau khi đổ quân lên bờ ngày 9/4/1940, tàu bị trúng đạn pháo của Na Uy và ngư lôi từ tàu ngầm Anh. Hư hại quá nặng khiến hạm trưởng của Karlsruhe ra lệnh đánh chìm ngoài khơi cảng Kristiansand ở cực nam Na Uy. Con tàu chưa bao giờ được tìm thấy kể từ đó.
Ba năm trước, hệ thống định vị thủy âm (sonar) của Statnett đã phát hiện một xác tàu không rõ danh tính gần tuyến cáp cao áp giữa Na Uy và Đan Mạch, nhưng các kỹ sư không có thời gian điều tra thêm. Ngày 30/6, một đội chuyên gia được cử đi kiểm tra xác tàu bằng tàu lặn điều khiển từ xa (ROV) sau cơn bão trong khu vực.
"Chiếc ROV thấy một xác tàu khổng lồ bị trúng ngư lôi cách đoạn cáp ngầm khoảng 15 mét. Phải đến khi những khẩu đại bác và biểu tượng của Đức Quốc xã xuất hiện trên màn hình, Ole Petter Hobberstad và nhóm mới hiểu con tàu có từ thời Thế chiến", Statnett cho biết trong một tuyên bố.
Bảo tàng Hàng hải Na Uy sau đó xác nhận "xác tàu thực sự là chiếc Karlsruhe chưa từng được tìm thấy". Theo các chuyên gia, xác tàu nằm thẳng dưới đáy biển, điều hiếm thấy với các tàu chiến có thượng tầng nặng nề, trọng tâm nằm trên cao và thường lật nghiêng khi chìm.
Huyền Lê (Theo AFP)