Chiều 16/6, trung tá Bùi Đình Hậu, Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 923 thuộc sư 371, Quân chủng Phòng không - không quân, cho biết lực lượng cứu hộ cứu nạn tìm kiếm tiêm kích Su-30 và phi công mất tích báo về vừa phát hiện một vật giống áo phao trôi ở biển Đông Bắc thuộc tỉnh Thái Bình.
Chưa thể xác định đây có phải là áo phao của phi công hay không, các lực lượng đang tiếp cận để xác minh.
Chiến dịch tìm phi công Trần Quang Khải (43 tuổi) cùng chiếc Su-30 đã sang ngày thứ ba. Bộ Quốc phòng huy động hơn 1.500 người, 182 phương tiện, trong đó có 5 máy bay (Mi-171, Mi-172, Mi-17, AN-26, CASA), 102 tàu, 3 xuồng, 9 xe đặc chủng, 16 thiết bị lặn, hàng chục ôtô liên tục làm việc ngày đêm. Vùng tìm kiếm mở rộng từ biển Hà Tĩnh tới Thái Bình. Các thiết bị chuyên dụng dò tín hiệu hộp đen máy bay cũng được triển khai.
Theo Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, thời tiết trên biển đang có chiều hướng xấu, sóng to gió lớn, trời âm u. Để tăng cường khả năng tìm kiếm cứu nạn, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã điều 2 tàu SAR 273 từ Hải Phòng và SAR 412 từ Đà Nẵng tham gia. Hai tàu này được trang bị hệ thống camera hồng ngoại có tích hợp radar, có khả năng quan sát cả ngày và đêm, tầm quan sát mục tiêu là người nổi trên biển rộng, tối thiểu 5.000 m, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết.
Hệ thống camera hồng ngoại có tích hợp radar được trang bị trên các tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng sẽ dựng hình ảnh khi phát hiện và hiển thị sự khác biệt nhỏ trong trường nhiệt độ, không ánh sáng. Do có sự khác biệt về nhiệt độ giữa nước và cơ thể người, hệ thống có thể phát hiện một người chỉ thò đầu và tay lên khỏi mặt nước từ khoảng cách hơn 1.000 m trong điều kiện trời tối và thời tiết xấu.
Chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2016, phương hướng 6 tháng cuối năm của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, khi nghe báo cáo về việc tìm kiếm phi công Trần Quang Khải và máy bay Su-30, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải tiếp tục tập trung nguồn lực, tìm bằng được phi công.
Định hướng chính cho công tác tìm kiếm cứu nạn, Thủ tướng chỉ đạo ba vấn đề. Trước hết là nêu cao tinh thần trách nhiệm của mọi cơ quan chức năng trong tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ. Thứ hai là mọi tai nạn, thiên tai đều phải được chỉ đạo, xử lý kịp thời. Và cuối cùng các cấp, ngành và người dân không trông chờ, ỷ lại, phải chủ động xử lý trên tinh thần “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ).
Trong công điện khẩn ban hành hôm nay, Chủ tịch tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường yêu cầu Trưởng ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn thị xã, các huyện ven biển Nghệ An, Bộ chỉ huy quân sự, Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục thông báo cho tàu đang đánh bắt trên vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thanh Hóa tích cực tham gia tìm kiếm cứu nạn phi công.
"Mọi thông tin liên quan đến tìm kiếm cứu nạn phi công, người dân liên hệ với 3 số điện thoại đường dây nóng của ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tỉnh đặt tại thị xã Cửa Lò gồm: 0912574759; 0912292339 và 038384472. Các tàu thuyền phát hiện tìm kiếm được phi công sẽ được khen thưởng kịp thời", công điện nêu rõ.
4h30 sáng 14/6, đội hình tiêm kích Su-30 thuộc Trung đoàn không quân 923, Sư đoàn 371 xuất phát từ sân bay Sao Vàng (Thọ Xuân, Thanh Hóa) thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trên biển. Đến 7h29, chiếc Su-30MK2 mất liên lạc trên vùng biển phía đông bắc đảo Mắt (Nghệ An).
Một ngày sau, thiếu tá phi công Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi), một trong hai phi công trên chiếc Su-30MK2 mất tích, được tàu của ngư dân cứu sống tại vùng biển Nghệ An, cách nơi nghi máy bay gặp nạn khoảng 28 hải lý về phía đông bắc đảo Mắt. Chiều cùng ngày, anh Cường về đất liền an toàn.
Phi công còn lại chưa rõ tung tích là thượng tá Trần Quang Khải (43 tuổi), Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn không quân 923.
Nhóm phóng viên