Thượng tá Trần Công Lực, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An xác nhận với VnExpress, 4h30 sáng 15/6, lực lượng chức năng nhận tin báo tàu cá HT 20219 TS của ngư dân Hà Tĩnh đã vớt một phi công điều khiển chiếc tiêm kích Su-30MK2 số hiệu 8585 gặp nạn sáng 14/6.
Vị trí phi công được cứu sống trên vùng biển Nghệ An ở tọa độ 19,14 độ vĩ Bắc; 106 độ kinh Đông, cách nơi nghi máy bay gặp nạn khoảng 28 hải lý về phía đông bắc đảo Mắt. "Sức khỏe phi công ổn định. Tàu của Bộ đội biên phòng đang trên đường tiếp cận với tàu cá", ông Lực nói.
Người được cứu là thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi, quê Bắc Giang) Phó phi đội trưởng Phi đội bay Su-30 thuộc Trung đoàn không quân 923, Sư đoàn 371 đóng tại Thanh Hoá.
Một lãnh đạo Phòng Quản lý tàu cá thuộc Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh đã liên lạc được với chủ tàu cá HT 20219. Chủ tàu cho biết sau khi đánh bắt ở ngư trường Bạch Long Vĩ, trên đường về ông phát hiện một người đang trôi lênh đênh.
"Sau khi cứu lên tàu mới biết đó là phi công trên chiếc Su-30MK2 mất liên lạc. Chủ tàu cá cho hay tình trạng sức khoẻ của anh Cường khá ổn định", lãnh đạo Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh nói.
Tại nhà của thiếu tá Cường (ở xã Nghĩa Hồ, Lục Ngạn, Bắc Giang), lãnh đạo UBND xã đã đến thăm hỏi, động viên gia đình. "Bước đầu mới nghe thông tin tàu cá cứu anh Cường, tuy nhiên gia đình chưa kết nối được điện thoại với anh nên vẫn rất lo lắng", vợ anh Cường cho hay.
* Video: Phi công Trần Quang Khải luyện tập vớí Su-30MK2
Như vậy, phi công thứ hai trên chiếc tiêm kích chưa rõ tung tích là thượng tá Trần Quang Khải (43 tuổi) Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn không quân 923. Dày dặn kinh nghiệm trong huấn luyện, anh Khải được tin tưởng có khả năng ứng phó tốt với các tình huống phức tạp.
Trong khi đó tại hiện trường tìm kiếm máy bay, theo ông Huỳnh Thanh Điền, Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An tàu của nhiều lực lượng hỗn hợp như cảnh sát biển, hải đội, biên phòng làm nhiệm vụ suốt đêm khoanh vùng vệt dầu loang để sáng nay tăng cường tìm kiếm.
Nghệ An điều động 56 tàu (trong đó có 50 tàu của ngư dân, 3 tàu của Hải đội 2, 3 tàu của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh) cùng hàng trăm người phối hợp với lực lượng chủ trì của Quân khu 4 tập trung rà soát quanh vùng nghi máy bay gặp nạn. Một số tàu cỡ lớn của Hải quân với trang thiết bị hiện đại đã tiếp cận điểm này để sáng nay tăng cường tìm kiếm.
Sáng 14/6, đội hình tiêm kích Su-30 xuất phát từ sân bay Sao Vàng (Thọ Xuân, Thanh Hóa) thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trên biển. Đến 7h29, chiếc Su-30MK2 mất liên lạc trên vùng biển phía đông Nghệ An. Nguyên nhân chưa được xác định.
Khoảng 20 phương tiện gồm máy bay và tàu với nhân lực khoảng 200 người được huy động tìm kiếm tung tích chiến đấu cơ cả ngày qua.
* Video: Các phương tiện tìm kiếm Su-30MK
Lúc 16h ngày 14/6, đội tàu cứu hộ phát hiện một vệt dầu loang, nghi là điểm máy bay rơi cách đảo Hòn Mắt chừng 13-14 hải lý về hướng đông bắc, cách biển Diễn Châu chừng 40 km. "Lực lượng tìm kiếm đang thả phao neo đậu tại vị trí khả nghi này", Đại tá Hà Tân Tiến, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An nói.
Trùng với những phát hiện của đội tìm kiếm, ông Huỳnh Thanh Điền, Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An nhận được trình báo của ngư dân về một vật nghi máy bay rơi tại vùng biển phía đông bắc đảo Mắt, nơi giáp ranh Nghệ An, Hà Tĩnh, cách điểm máy bay xuất phát chừng 200 km.
Đến chiều tối, các phương tiện hàng không dân dụng, máy định vị khẩn cấp và đặc công nước được huy động tăng cường từ Bộ Giao thông tham gia chiến dịch.
Máy bay Su-30MK2 là phiên bản nâng cấp của Su-30 do Nga sản xuất. Việt Nam đã thực hiện 3 hợp đồng mua máy bay chiến đấu đa năng Su-30 MK2, với số lượng 32 chiếc.
* Video: Tướng Võ Tuấn: Đặc công nước vào cuộc tìm máy bay mất tích