Kính viễn vọng vô tuyến hình cầu khẩu độ 500 m (FAST) có biệt danh "Mắt trời" thu được tín hiệu có thể đến từ nền văn minh ngoài hành tinh, theo báo cáo hôm 14/6 trên trang Science and Technology Daily của Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc. FAST đi vào hoạt động năm 2019, chuyên quét không gian sâu để tìm tín hiệu vô tuyến có thể hé lộ sự sống ngoài hành tinh. Khi kiểm tra dữ liệu vào năm 2020, các nhà nghiên cứu phát hiện hai tín hiệu vô tuyến tần số hẹp có thể đến từ nguồn nhân tạo. Sau đó, năm 2020, quá trình khảo sát những ngoại hành tinh đã biết tìm thấy thêm một tín hiệu vô tuyến tần số hẹp kỳ lạ khác, nâng tổng số lên 3 tín hiệu.
Do các tín hiệu đều là sóng vô tuyến tần số hẹp thường mà tàu vũ trụ và vệ tinh của con người thường sử dụng, chúng có thể được tạo bởi công nghệ ngoài hành tinh. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho biết phát hiện của họ mới chỉ mang tính sơ bộ và cần xem xét cẩn thận cho tới khi phân tích hoàn tất.
"Đó là những tín hiệu điện từ tần số hẹp khác với trước đây, và các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu sâu hơn", Zhang Tongjie, nhà khoa học đứng đầu Nhóm nghiên cứu nền văn minh ngoài hành tinh ở Đại học Sư phạm Bắc Kinh, cho biết. "Khả năng tín hiệu đáng ngờ này là một dạng can thiệp vô tuyến cũng rất cao và cần xác nhận cẩn thận. Quá trình có thể rất dài".
Đây không phải là lần đầu tiên giới khoa học bối rối bởi sóng vô tuyến từ không gian sâu. Tháng 8/1977, một nghiên cứu SETI (Tìm kiếm trí thông minh ngoài hành tinh) tiến hành bởi kính viễn vọng Big Ear của Đại học Ohio thu được chớp điện từ cực mạnh dài một phút phát ra ở tần số nghi do người ngoài hành tinh sử dụng. Các tìm kiếm tiếp theo ở cùng khu vực không gian đều không thu được kết quả. Nghiên cứu sau đó kết luận tín hiệu có thể đến từ ngôi sao giống Mặt Trời nằm trong chòm sao Sagittarius. Tuy nhiên, nguồn gốc của tín hiệu vẫn là một bí ẩn.
Năm 2019, các nhà thiên văn học phát hiện tín hiệu truyền tới Trái Đất từ Proxima Centauri, hệ sao gần Mặt Trời nhất (cách khoảng 4,2 năm ánh sáng) với ít nhất một hành tinh trong vùng ở được. Tín hiệu này là một sóng vô tuyến tần số hẹp thường gắn liền với vật thể nhân tạo. Dù vậy, nghiên cứu công bố sau đó 2 năm chỉ ra tín hiệu nhiều khả năng là kết quả từ trục trặc công nghệ.
Tonjie nhấn mạnh nhóm nghiên cứu của ông đang lên kế hoạch lặp lại quan sát tín hiệu kỳ lạ để loại trừ bất kỳ sự can thiệp vô tuyến nào và thu được nhiều thông tin về chúng hết mức có thể.
An Khang (Theo Live Science)