Vật thể xoay tròn được phát hiện hồi tháng 3/2018, phát ra bức xạ 3 lần mỗi giờ. Những lúc như vậy, nó trở thành nguồn sóng vô tuyến sáng nhất có thể quan sát từ Trái Đất, trông giống một ngọn hải đăng vũ trụ. Các nhà thiên văn học cho rằng đó có thể là tàn tích của một ngôi sao sụp đổ (sao neutron đặc hoặc sao lùn trắng chết) với từ trường cực mạnh hoặc vật thể hoàn toàn khác. Họ công bố kết quả nghiên cứu hôm 26/1 trên tạp chí Nature.
"Vật thể này xuất hiện và biến mất trong vài giờ khi chúng tôi quan sát", trưởng nhóm nghiên cứu Natasha Hurley-Walker, nhà vật lý thiên văn ở Trung tâm nghiên cứu thiên văn vô tuyến quốc tế của Đại học Curtin (ICRAR-Curtin), cho biết. "Điều đó hoàn toàn nằm ngoài dự đoán. Đây là một vật thể kỳ lạ với các nhà thiên văn học bởi chưa từng có thứ gì trên bầu trời hoạt động như vậy. Vật thể này cũng ở khá gần về mặt thiên văn, chỉ cách chúng ta khoảng 4.000 năm ánh sáng".
Tyrone O'Doherty, nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học Curtain, phát hiện vật thể khi sử dụng kính viễn vọng Murchison Widefield Array ở vùng ngoại ô bang Western Australia. Những vật thể không gian lóe sáng và chớp tắt liên tục được gọi là vật thể biến đổi tức thời (transient). "Khi nghiên cứu vật thể biến đổi tức thời, bạn đang theo dõi cái chết của một ngôi sao khổng lồ hoặc hoạt động của tàn tích mà nó để lại", Gemma Anderson, nhà vật lý thiên văn ở ICRAR-Curtin, đồng tác giả nghiên cứu, giải thích. "Loại chậm như vụ nổ siêu tân tinh có thể kéo dài vài ngày và biến mất sau vài tháng. Loại nhanh như sao xung chớp tắt liên tục trong vài giây hoặc mili giây".
Tuy nhiên, vật thể mới cực sáng chỉ lóe lên 18 phút một lần. Các nhà nghiên cứu cho biết quan sát của họ có thể phù hợp với định nghĩa về sao từ chu kỳ siêu dài. Sao từ thường lóe sáng theo giây, nhưng vật thể này mất nhiều thời gian hơn. Theo Hurley-Walke, đây là loại sao neutron quay chậm. Giới nghiên cứu dự đoán nó có khả năng tồn tại theo lý thuyết.
Hurley-Walke và cộng sự sẽ tiếp tục theo dõi vật thể, đồng thời tìm kiếm bằng chứng về những thiên thể tương tự.
An Khang (Theo CNN)