
Loài Megaconus. Ảnh: University of Chicago.
Một hóa thạch mới được phát hiện cho thấy sự thích nghi tiến hóa của một loài động vật có vú nguyên thủy 165 triệu năm trước. Hóa thạch cung cấp thêm bằng chứng về các đặc điểm như tóc và lông tồn tại trước khi động vật có vú đầu tiên xuất hiện. Đặc điểm sinh học của loài động vật có vú cổ xưa này được mô tả bởi các nhà khoa học từ Đại học Chicago, Mỹ. Nó được đặt tên là Mammaliaformis Megaconus, Science Daily đưa tin.
“Cuối cùng chúng tôi đã có cái nhìn thoáng qua về đặc điểm tổ tiên của tất cả các động vật có vú", ông Zhe-Xi Luo, giáo sư sinh học và giải phẫu tại Đại học Chicago nói.
"Bằng cách nhìn vào những gì được bảo tồn trong hóa thạch Megaconus, chúng tôi hiểu rõ hơn quá trình chuyển đổi quan trọng của động vật có vú hiện đại từ tổ tiên của nó", ông Zhe-Xi Luo cho biết.
Được tìm thấy ở vùng Nội Mông Cổ, Trung Quốc, Megaconus là một trong những hóa thạch bảo tồn tốt nhất trong nhóm Mammaliaform. Loài Megaconus sống khoảng 165 triệu năm trước, cùng thời gian với loài khủng long lông vũ trong kỷ Jura, và gần 100 triệu năm trước khi khủng long bạo chúa xuất hiện trên trái đất.
Hóa thạch được bao quanh bởi một lớp lông bảo vệ, riêng phần bụng lông thưa thớt hơn. Nhóm nghiên cứu giả định rằng nó có một cái bụng trần. Ở gót chân, Megaconus sở hữu chiếc cựa dài bằng chất sừng chứa chất độc, tương tự như chiếc cựa trên động vật có vú đẻ trứng hiện đại, ví dụ như con đực của loài thú mỏ vịt. Dựa vào chiếc cựa, giới khoa học nhận ra hóa thạch là một con đực.
Megaconus là loài động vật ăn tạp, nó có kích thước như con sóc đất lớn. Nó còn có cấu trúc răng và hàm giống động vật có vú. Bộ xương của Megaconus, đặc biệt là xương chân sau, móng vuốt, ngón tay có hình dáng tương tự như loài tatu hiện đại, tai giữa của nó gắn liền với xương hàm giống như loài bò sát.
Luo, nhà khoa học tham gia nghiên cứu cho biết: “Những bằng chứng khảo cổ đã chỉ ra quá trình chuyển đổi của tổ tiên động vật có vú trong kỷ Trias đến kỷ Jura. Nó một cách khác, ba chi nhánh lớn của động vật có vú hiện đại là tất cả những cá thể còn sống sót trong số nhiều dòng dõi Mammaliaform bị tuyệt chủng”.
Hóa thạch Megaconus hiện nằm trong bộ sưu tập tại Bảo tàng cổ sinh học Liêu Ninh, Trung Quốc. Nó được phát hiện và nghiên cứu bởi một nhóm các nhà cổ sinh vật học từ Bảo tàng cổ sinh học của Liêu Ninh, Đại học Bonn ở Đức và Đại học Chicago, Mỹ.
Lê Hùng