Các nhà thiên văn phát hiện thiên thể J043947.08+163415.7 nhờ sử dụng Đài quan sát Keck, kính viễn vọng James Clerk Maxwell tại Hawaii và kính viễn vọng không gian Hubble, Futurism hôm 9/1 đưa tin. Thiên thể này là một quasar, nhân thiên hà cực sáng được siêu hố đen cung cấp năng lượng.
J043947.08+163415.7 cách Trái Đất khoảng 12,8 tỷ năm ánh sáng. Đây là quasar sáng nhất hình thành từ thời kỳ sơ khai của vũ trụ mà con người từng quan sát, gấp 600 nghìn tỷ lần Mặt Trời.
"Chúng tôi không kỳ vọng sẽ tìm thấy nhiều quasar (vật thể giống sao) sáng hơn nó trong toàn bộ vùng không gian quan sát được", Xiaohui Fan, giáo sư thiên văn tại Đại học Arizona, nhận định. Fan cùng đồng nghiệp phát hiện J043947.08+163415.7 nhờ một thiên hà tiến vào giữa thiên thể này và Trái Đất. Khi đó, hiện tượng thấu kính hấp dẫn giúp khuếch đại đáng kể ánh sáng của quasar.
Thiên thể mới phát hiện không chỉ đáng chú ý vì độ sáng. Nó còn giúp giới khoa học hiểu thêm về ảnh hưởng của các hố đen lớn đến sự hình thành sao trong thời kỳ đầu của vũ trụ. J043947.08+163415.7 cũng giúp các nhà vật lý thiên văn xác nhận một vấn đề đã tồn tại từ lâu và định hướng cho những nghiên cứu trong tương lai.
"Đây là một phát hiện lớn và gây ngạc nhiên. Trong nhiều thập kỷ, chúng tôi đã nghĩ những quasar thấu kính như vậy rất phổ biến trong vũ trụ sơ khai. Tuy nhiên, đây là quasar đầu tiên dạng này mà chúng tôi tìm thấy. Nó cho chúng tôi manh mối về cách tìm 'quasar ma', những vật thể ở đâu đó ngoài kia nhưng vẫn chưa được phát hiện", Fabio Pacucci, chuyên gia tại Đại học Yale, chia sẻ.