Con thằn lằn thuộc loài thằn lằn cổ xanh (Algyroides nigropunctatus) này được phát hiện hồi tháng 6, tại khu vực Metohija của Kosovo. Ba cái đuôi của nó đo được lần lượt có chiều dài là 30, 15, và 10 mm.
Thằn lằn ba đuôi rất hiếm gặp trên toàn thế giới, theo Daniel Jablonski, nhà sinh vật học thuộc Đại học Comenius, Slovakia, một trong những người tìm ra nó. Thằn lằn hai đuôi tuy cũng hiếm nhưng hay được bắt gặp hơn.
"Tôi đã nghiên cứu các loài bò sát từ rất lâu, phải lên tới hàng trăm hoặc hàng nghìn mẫu vật, nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy một con thằn lằn 3 đuôi", ông chia sẻ qua email với National Geographics.
Thằn lằn có khả năng tự ngắt đuôi cũ để trốn kẻ thù. Đuôi mới sau đó sẽ mọc lên cùng sụn. Một vài loài có xương sống khác như kỳ nhông hay tuataras, một loài bò sát sống ở New Zealand cũng có khả năng này.
Các nghiên cứu trước đây chỉ ra hiện tượng nhiều đuôi ở thằn lằn xảy ra khi đuôi cũ không bị đứt hẳn, vẫn còn dính với thân. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, như ở con thằn lằn Kosovo, các đuôi phụ được hình thành sau khi đuôi cũ hoàn toàn bị tách khỏi thân. Nhìn từ bên ngoài, có thể thấy ba chiếc đuôi khá lớn, như ba nhánh cây mọc lên từ cùng một gốc.
Các nhà khoa học cho rằng, một lực tác động mạnh do bị một con chim săn mồi hay chó hoang tấn công có thể đã làm vỡ phần xương sống phía đuôi của thằn lằn, và mỗi đuôi mới mọc ra từ một đốt sống riêng. Nghiên cứu này được công bố vào tháng 8 trên tạp chí Ecologica Montenegrina.
Các quan sát cho thấy vùng da ở đuôi mới có màu sắc và hình dạng khác biệt so với phần thân tăng tính thuyết phục cho kết luận này.
"Điều thú vị ở đây là đuôi cũ thực sự bị mất chứ không chỉ là bị thương và vẫn dính với thân như các kết luận trước đây", nhà sinh vật học Bill Bateman, Đại học Curtin University, Australia cho biết.
Con thằn lằn khi được kiểm tra cho thấy có tình trạng sức khỏe tốt. 3 chiếc đuôi cũng không hề ảnh hưởng tới sự cân bằng hay gây ra các khuyết tật khác cho nó. Nó đã được thả về môi trường sống tự nhiên.
Nguyễn Thành Minh