Theo Mirror, hiện tượng kỳ lạ này được báo cáo trong tạp chí khoa học Nature hôm 1/7. Clare Holleley, tác giả nghiên cứu thuộc đại học Canberra, Australia cho biết, phát hiện này làm tăng mối lo về cách động vật thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Một số loài bò sát như cá sấu và rùa, giới tính được quyết định không phải do nhiễm sắc thể di truyền, mà do nhiệt độ ấp trứng. Tuy nhiên, đối với loài thằn lằn Pogona, giới tính được quyết định do nhiễm sắc thể di truyền.
Giống như loài chim, chúng có nhiễm sắc thể Z và W (giống X và Y ở người). Con đực mang nhiễm sắc thể ZZ, con cái ZW. Nhóm nghiên cứu kiểm tra 131 con thằn lằn hoang dã trưởng thành sinh sống ở khu vực Queensland, một trong những khu vực nóng lên nhiều nhất tại Australia trong vòng 40 năm qua và phát hiện, 11 con có bề ngoài là cái nhưng lại mang nhiễm sắc thể ZZ của con đực.
Những con cái mang gen đực này không chỉ đẻ trứng, mà còn đẻ nhiều hơn những con cái mang gen ZW, Arthur Georges, đồng tác giả nghiên cứu cho biết.
Họ phát hiện, giới tính của loài thằn lằn này không chỉ quyết định bởi gen di truyền, mà giờ đây, còn phụ thuộc nhiệt độ môi trường nữa.
"Chúng đang ném đi nhiễm sắc thể W, tương tự nhiễm sắc thể Y ở người," Georges nói, nhấn mạnh nếu khí hậu cứ tiếp tục nóng lên, tỷ lệ chuyển đổi giới tính của thằn lằn sẽ tăng cao, và hậu quả là số con cái mang nhiễm sắc thể W sẽ mất dần.
"Đây là lần đầu tiên chúng ta chứng minh được, chuyển giới xảy ra trong thế giới tự nhiên ở mọi loài," Holleley cho biết. Nghiên cứu này, về cơ bản cho thấy, khí hậu có thể làm thay đổi cơ chế sinh học của sinh vật. Nhiệt độ không chỉ thay đổi giới tính thằn lằn, mà "hoàn toàn có thể xảy ra đối với các loài khác".
Hồng Hạnh