Phó giáo sư Lưu Thị Hồng, Giảng viên Đại học Y Hà Nội, cho biết như trên tại Hội nghị Sản phụ khoa - Hỗ trợ sinh sản, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập khoa Phụ sản, Bệnh viện Bạch Mai ngày 29/11.
"Nhiều phụ nữ được cứu sống từ các biến chứng liên quan đến sinh đẻ, nhưng sau đó có thể mắc và tử vong vì các bệnh ung thư phụ khoa khác, bao gồm cả ung thư cổ tử cung", bà Hồng nói.
Theo bà Hồng, ung thư cổ tử cung không phải bệnh di truyền, thủ phạm chính gây ra bệnh là virus HPV (virus gây u nhú ở người). Bình thường, HPV có hơn 100 type nhưng 14 type có nguy cơ cao gây ra loại ung thư này. Chủng HPV 16 và HPV 18 là 2 chủng có khả năng gây ung thư cổ tử cung cao nhất, chúng được tìm thấy ở 70% trường hợp ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, virus này còn gây ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn, mụn cóc sinh dục...
"Tất cả phụ nữ đang có sinh hoạt tình dục đều có nguy cơ nhiễm HPV nhóm nguy cơ cao gây ung thư", bà Hồng khẳng định. HPV xâm nhập lây truyền qua đường tình dục và ngoài đường tình dục. Trong đó, viurs này chỉ cần tiếp xúc tình dục (qua sinh dục - sinh dục; tay - sinh dục; miệng - sinh dục) cũng có thể lây. Ngoài ra, những đồ dùng như đồ lót, găng phẫu thuật... cũng là những vật lây truyền. Mẹ cũng có thể lây virus HPV cho con lúc sinh nở.
Theo bà Hồng, nhiễm HPV mới có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào, song nhóm cao nhất là phụ nữ dưới 25 tuổi với 20%. Phần lớn, người nhiễm không có triệu chứng rõ ràng nên khó phát hiện. Một số người có thể thấy dấu hiệu rõ ràng của mụn cóc sinh dục hoặc các thay đổi tiền ung thư ở tử cung, âm hộ, hậu môn hoặc dương vật. Với phụ nữ, có thể được chẩn đoán nhiễm HPV qua kết quả kiểm tra phết tế bào âm đạo (PAP) bất thường.
Bà Hồng cho biết, người có quan hệ tình dục trước 17 tuổi, quan hệ với nhiều người, sinh đẻ nhiều lần, viêm sinh dục do virus Herpes... là các yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung. Những nguyên nhân khác như suy giảm miễn nhiễm, yếu tố nội tiết, nghiện thuốc lá... cũng làm tăng nguy cơ.
Để dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung, ngoài những biện pháp truyền thông giáo dục sức khỏe, các chuyên gia cho rằng cần dự phòng 3 cấp, trong đó có quan hệ tình dục an toàn, tiêm vắcxin phòng HPV, sàng lọc và điều trị các tổn thương tiền ung thư. Xét nghiệm HPV rất có giá trị trong sàng lọc ung thư cổ tử cung.
Vắcxin ngừa HPV được khuyến cáo tiêm cho phụ nữ độ tuổi 9-26, tốt nhất là 11 đến 12 tuổi. Vắcxin đạt hiệu quả cao nhất khi tiêm ngừa trước lần quan hệ tình dục đầu tiên. Liều tiêm được chỉ định 3 liều, theo đó liều thứ hai cách liều thứ nhất tối thiểu một tháng và liều ba cách liều hai tối thiểu 3 tháng.