Nhóm nghiên cứu của Paz Bluhm, chuyên gia tại Đại học Heidelberg (Đức), phát hiện ngoại hành tinh TOI-1685 b quay quanh sao lùn đỏ TOI-1685 cách Trái Đất 122 năm ánh sáng, Space hôm 11/3 đưa tin. TOI-1685 b chỉ mất 0,67 ngày để hoàn thành một vòng quay quanh sao chủ.
Các sao lùn đỏ nhỏ và mờ hơn nhiều so với Mặt Trời. Tuy nhiên, TOI-1685 b bay cực gần sao chủ nên rất nóng. Các nhà khoa học ước tính nhiệt độ bề mặt của ngoại hành tinh này lên tới 796 độ C.
Nhóm nghiên cứu tìm ra TOI-1685 b nhờ những quan sát của Vệ tinh Khảo sát Ngoại hành tinh (TESS) của NASA. TESS có nhiệm vụ phát hiện ngoại hành tinh khi chúng đi qua phía trước sao chủ (theo góc nhìn của vệ tinh này) và làm thay đổi độ sáng.
TESS nhận thấy một đợt giảm sáng như vậy ở sao lùn đỏ TOI-1685. Sau đó, Bluhm cùng đồng nghiệp xác nhận ngoại hành tinh TOI-1685b tồn tại nhờ dữ liệu do máy quang phổ CARMENES của kính viễn vọng tại Đài quan sát Calar Alto (Tây Ban Nha) thu thập.
Dữ liệu tổng hợp giúp nhóm nghiên cứu xác định TOI-1685 b thuộc loại siêu Trái Đất, có bán kính gấp 1,7 lần hành tinh xanh và nặng gấp 3,8 lần. Với khối lượng riêng 4,2 gram mỗi cm3, đây là hành tinh quỹ đạo siêu ngắn quay quanh sao lùn đỏ có khối lượng riêng nhỏ nhất đến nay. Khối lượng riêng của Trái Đất là 5,5 gram mỗi cm3.
TOI-1685 b có nhiệt độ cao và di chuyển qua phía trước sao chủ nên đây là đối tượng tốt cho các nghiên cứu bằng công cụ khác trong tương lai, nhóm nghiên cứu nhận xét. Về phương diện này, TOI-1685 b tương tự với một ngoại hành tinh khác được phát hiện gần đây từ dữ liệu của TESS và CARMENES, Gliese 486 b.
Bluhm cùng các đồng nghiệp cũng phát hiện một tín hiệu đặc biệt từ dữ liệu của CARMENES cho thấy, có thể hệ sao TOI-1685 còn có hành tinh thứ hai. Nó hoàn thành một vòng quỹ đạo trong 9 ngày. Nếu thực sự tồn tại, hành tinh này không đi qua phía trước sao chủ vì TESS không ghi nhận được tín hiệu nào như vậy.
Thu Thảo (Theo Space)