Theo AP, GJ 1132b được đặt tên theo ngôi sao nhỏ nó quay quanh, có kích cỡ tương đương Kim tinh, và là một hành tinh đá giống Trái Đất, có nhiệt độ đủ nóng để hình thành một lớp khí quyển mỏng giống như Kim tinh.
Hành tinh này nằm trong phạm vi nghiên cứu khí quyển của kính viễn vọng không gian Hubble. Một năm ánh sáng bằng khoảng 9.446.849.280.000 km, do đó, hành tinh này cách chúng ta khoảng 370.149.120.000.000 km.
Nhóm nghiên cứu do Zachory Berta Thompson, Viện Công nghệ Massachusetts, dẫn dắt, phát hiện ra hành tinh này hồi tháng 5, bằng kính viễn vọng đặt ở Chile. Ông và đồng nghiệp công bố phát hiện hôm qua trên tạp chí Nature.
Nhiều nhà khoa học cho rằng, hành tinh này quá nóng, với nhiệt độ lên tới 450 độ C, không thể tồn tại sự sống. Tuy nhiên, theo Thompson, nó vẫn còn mát hơn nhiều so với những hành tinh đá quanh quay một ngôi sao nào đó nằm ở ngoài hệ Mặt Trời từng được phát hiện. Họ đặt ra thuật ngữ, hành tinh ngoài hệ Mặt Trời gọi là ngoại hành tinh.
Ước tính GJ 1132b có đường kính khoảng 14.805 km, lớn hơn Trái Đất một chút. Khối lượng của nó lớn hơn Trái Đất khoảng 60%. Sao chủ của ngoại hành tinh này là GJ 1132, là một sao lùn đỏ, kích thước bằng một phần năm Mặt Trời. Quỹ đạo của ngoại hành tinh này quanh sao chủ là 1,6 ngày, ở khoảng cách 2.253 km.
"Mục tiêu của chúng tôi là tìm thấy anh em sinh đôi của Trái Đất", David Charbonneau, nhà thiên văn học, thuộc trung tâm thiên văn Havard Smithsonian, đồng tác giả nghiên cứu cho biết. "Nhưng chúng tôi lại vô tình phát hiện một hành tinh giống sao Kim". Ông nhấn mạnh, ngoại hành tinh này có thể có khí quyển giống Kim tinh, và họ sẽ nghiên cứu thêm về nó.
"Đây có thể là hành tinh quan trọng nhất từng được phát hiện bên ngoài hệ Mặt Trời", Drake Deming, nhà thiên văn học của đại học Maryland, người không tham gia nghiên cứu, đánh giá.
Hồng Hạnh