Theo báo cáo của Cơ quan di sản của Liên Hợp Quốc, rạn san hô mới trải dài tới 3 km và rộng khoảng 85 m. Nó nằm trong vùng nước mát ở độ sâu từ 30 đến 65 m ngoài khơi Tahiti, hòn đảo lớn nhất của Polynésie thuộc Pháp nằm ở phía nam Thái Bình Dương.
"Đây là một trong những rạn san hô khỏe mạnh có kích thước lớn nhất từng được ghi nhận", UNESCO cho biết trong một tuyên bố. Những cấu trúc hình bông hoa khổng lồ của nó dường như không hề hấn gì trước sự gia tăng nhiệt độ đại dương, tác nhân gây ra hiện tượng tẩy trắng ở rất nhiều rạn san hô khác.
Hầu hết các rạn san hô được biết đến hiện nay nằm ở độ sâu không quá 25 m so với về mặt nước biển. Do đó, việc phát hiện một rạn san hô lớn ở độ sâu lên tới 65 m là điều hết sức bất ngờ với các nhà khoa học. Điều đó cho thấy rằng có thể còn nhiều rạn san hô nguyên sơ khác ở "vùng hoàng hôn" của đại dương, hay những khu vực nước sâu chưa được lập bản đồ.
"Chúng ta biết về bề mặt của Mặt Trăng còn nhiều hơn cả đại dương sâu thẳm. Đến nay mới chỉ có 20% đáy biển trên thế giới đã được lập bản đồ", Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho hay.
Khám phá ở Tahiti là một công trình đáng kinh ngạc của các nhà khoa học, những người đã dành hơn 200 giờ để thám hiểm đại dương với sự hỗ trợ của UNESCO.
"Thật kỳ diệu khi chứng kiến những san hô hình bông hoa khổng lồ trải dài hết tầm mắt. Nó đẹp như một tác phẩm nghệ thuật", nhiếp ảnh gia người Pháp Alexis Rosenfeld, đối tác của UNESCO và là một thành viên trong nhóm thám hiểm, chia sẻ.
Polynésie thuộc Pháp từng hứng chịu một sự kiện tẩy trắng lớn vào năm 2019, nhưng rạn san hô mới không hề có dấu hiệu căng thẳng hay bệnh tật. Đây là dấu hiệu tích cực, có thể truyền cảm hứng cho nỗ lực bảo tồn san hô trong tương lai.
Đoàn Dương (Theo AFP)