
Thiết bị lấy mẫu không khí ở Nam Đại Dương. Ảnh: CNN.
Giáo sư Sonia Kreidenweis và cộng sự cho biết vùng khí quyển phía trên Nam Đại Dương chịu ít tác động từ con người và bụi từ các châu lục nhất. Nhóm nghiên cứu nhận thấy ranh giới không khí ở khu vực này không có các hạt aerosol sinh ra từ hoạt động của con người, bao gồm đốt nhiên liệu hóa thạch, trồng hoa màu, sử dụng phân bón, xả nước thải hay lưu thông giữa các nước.
Ô nhiễm không khí do aerosol gây ra. Đó là những hạt chất rắn hoặc giọt chất lỏng lơ lửng trong không khí hoặc chất khí khác. Trong nghiên cứu công bố hôm 1/6 trên tạp chí PNAS, nhóm nghiên cứu mô tả khu vực mới phát hiện là vùng "thực sự nguyên sơ".
Giáo sư Kreidenweis và cộng sự tìm hiểu thành phần không khí và nguồn gốc của chúng bằng cách sử dụng vi khuẩn như công cụ để suy đoán. Họ lấy mẫu không khí ở nơi tiếp giáp với đại dương khi ở trên tàu nghiên cứu di chuyển theo hướng nam từ Tasmania, Australia tới rìa băng Nam Cực. Sau đó, các nhà nghiên cứu kiểm tra thành phần vi khuẩn trong không khí, thường theo gió bay xa hàng nghìn kilomet. Dùng kỹ thuật giải trình tự ADN, theo dõi nguồn và hướng gió, họ phát hiện những vi khuẩn này có nguồn gốc từ đại dương. Từ đó, nhóm nghiên cứu kết luận aerosols từ các lục địa xa xôi và hoạt động của con người không bị cuốn tới vùng khí quyển bên trên Nam Đại Dương.
Ô nhiễm không khí đang là khủng hoảng y tế công cộng trên toàn cầu và giết chết 7 triệu người mỗi năm, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Các nghiên cứu chỉ ra ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và ung thư phổi. Hơn 80% người dân sinh sống ở các đô thị có chất lượng không khí vượt quá tiêu chuẩn cho phép của WHO. Ô nhiễm không khí có thể lan rộng ngoài biên giới địa lý, ảnh hưởng tới người dân ở cách xa hàng trăm kilomet.
An Khang (Theo CNN)