Hành tinh Kepler-88 d mất 4 năm để hoàn thành quỹ đạo hình elip quanh ngôi sao chủ Kepler-88. Trong hệ Mặt Trời, sao Mộc là hành tinh lớn nhất, quỹ đạo và chuyển động của nó ảnh hưởng tới các hành tinh khác. Sao Mộc có khối lượng lớn gấp 300 lần Trái Đất và gấp đôi sao Thổ. Tuy nhiên, Kepler-88 d lớn gấp 3 lần sao Mộc, có nghĩa hành tinh này chi phối hai hành tinh khác cùng hệ.
Các nhà thiên văn học sử dụng thiết bị Quang phổ kế Echelle độ phân giải cao của kính viễn vọng Keck I ở Đài quan sát W. M. Keck tại Maunakea, Hawaii, Mỹ để thu thập dữ liệu về hệ sao Kepler-88 trong 6 năm và phát hiện Kepler-88 d. Nghiên cứu được công bố hôm 29/4 trên tạp chí Astronomical Journal.
Trước đó, giới nghiên cứu phát hiện hai hành tinh khác trong hệ là Kepler-88 b và c quay gần ngôi sao chủ hơn. Kepler-88 b nhỏ hơn sao Hải Vương và có quỹ đạo chỉ kéo dài 11 ngày. Kepler-88 c có kích thước tương đương sao Mộc, hoàn thành một vòng quỹ đạo trong 22 ngày. Kepler-88 c lớn gấp 20 lần so với Kepler-88 b.
Phát hiện Kepler-88 d giúp nhóm nghiên cứu hiểu rõ hơn sự vận động của hệ. "Với khối lượng lớn gấp 3 lần sao Mộc, Kepler-88 d chắc chắn tác động nhiều hơn tới lịch sử của hệ Kepler-88 system so với Kepler-88 c", trưởng nhóm nghiên cứu Lauren Weiss, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ ở Viện Thiên văn học Hawaii, cho biết. "Vì vậy, Kepler-88 d có thể giữ ngôi vua trong hệ sao này".
Những hành tinh lớn có thể ảnh hưởng tới hoạt động trong một hệ sao, giống như sao Mộc trong hệ Mặt Trời. Trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu cho rằng sao Mộc chịu trách nhiệm cho quá trình hình thành vành đai tiểu hành tinh giữa sao Hỏa và sao Mộc, kích thước nhỏ bé của sao Hỏa và cả những sao chổi mang nước tới Trái Đất ở thuở sơ khai. Sao Mộc cũng được coi là bảo vệ kiêm "máy hút bụi của hệ Mặt Trời" bởi nó phá hủy các tiểu hành tinh hoặc sao chổi tới quá gần, theo Viện Nghiên cứu Southwest.
An Khang (Theo CNN)