Michelle Kunimoto, nghiên cứu sinh hệ tiến sĩ ở Đại học British Columbia, Canada, phát hiện 17 hành tinh khi xem xét dữ liệu từ dự án Kepler kết thúc năm 2018 của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). Trước đó, năm 2016, khi còn là sinh viên thiên văn học, Kunimoto đã tìm thấy 4 ngoại hành tinh.
Một trong số những hành tinh mới phát hiện nằm trong vùng ở được quanh sao chủ. Khoảng cách này giúp hành tinh có nhiệt độ và điều kiện phù hợp để nước lỏng tồn tại trên bề mặt. Kunimoto đặc biệt quan tâm đến ngoại hành tinh có thể tồn tại sự sống. Nữ nghiên cứu sinh công bố phát hiện hôm 27/2 trên tạp chí Astronomical Journal.
"Hành tinh này ở cách Trái Đất khoảng 1.000 năm ánh sáng nên chúng ta sẽ không thể tới đó sớm", Kunimoto chia sẻ. "Nhưng đây là một phát hiện thực sự thú vị, bởi chỉ có 15 hành tinh nhỏ được xác nhận nằm trong vùng ở được mà các nhà nghiên cứu tìm thấy qua dữ liệu của tàu vũ trụ Kepler".
Ngoại hành tinh KIC-7340288 b lớn gấp khoảng 1,5 lần kích thước Trái Đất, có thể là hành tinh đá. Một năm trên hành tinh này bằng 142,5 ngày trên Trái Đất và quỹ đạo của nó hơi lớn hơn so với quỹ đạo của sao Thủy quanh Mặt Trời. Lượng ánh sáng KIC-7340288 b nhận được từ sao chủ bằng khoảng 1/3 so với ánh sáng từ Mặt Trời chiến đến Trái Đất. Kunimoto phát hiện KIC-7340288 b và 16 hành tinh khác bằng phương pháp dịch chuyển khi xem xét dữ liệu từ Kepler.
"Mỗi khi một hành tinh đi qua phía trước sao chủ, nó che mất một phần ánh sáng của ngôi sao và khiến độ sáng tạm thời giảm. Thông qua tìm kiếm sự giảm sáng hay còn gọi là phương pháp dịch chuyển, bạn có thể xâu chuỗi thông tin về hành tinh như kích thước và thời gian quay quanh quỹ đạo", Kunimoto giải thích. Phần lớn hành tinh Kunimoto tìm thấy đều lớn hơn nhiều so với Trái Đất trong khi hành tinh nhỏ nhất chỉ bằng 2/3.
Kunimoto đang tiến hành nghiên cứu nối tiếp cùng với Henry Ngo, nghiên cứu sinh ở Viện Công nghệ California, sử dụng kính viễn vọng Gemini North ở Hawaii cùng thiết bị chụp ảnh cận hồng ngoại và quang phổ kế để tính toán tỷ lệ tồn tại ngoại hành tinh trong vùng ở được.
An Khang (Theo CNN)