Cuối tháng 9 vừa qua, mặc dù có ấn tượng mạnh đối với những thông tin chào mời của Công ty KSV Development Co. Ltd (KSV) về một hợp đồng tín dụng hấp dẫn, Công ty TNHH xây dựng Đầu tư Xuất nhập khẩu Tân Quốc Tế (TQT) tại TP HCM vẫn đề nghị Trung tâm thông tin tín dụng (CIC - Ngân hàng Nhà nước) điều tra.
Công ty KSV đã cử đại diện sang VN trực tiếp gặp TQT để mời tham gia xây dựng khu “The five star healthy island” tại Campuchia, với tổng vốn đầu tư lên tới 250 triệu USD. KSV cam kết sẽ cho vay với thời hạn lên tới 10 năm, trong đó 3 năm đầu không tính lãi, những năm kế tiếp lãi suất chỉ 1,5% một năm. KSV cũng đưa bản copy đã đặt cọc khoản tiền này tại Deutsche Bank - chi nhánh Thụy Sĩ với tên người thụ hưởng là TQT để khẳng định sự “nghiêm túc và thiện chí” của mình. Chỉ có một vấn đề... nhỏ, đó là TQT phải đặt cọc trước cho KSV một khoản tiền 3 triệu USD mới có thể nhận được khoản tiền vay này.
Sau khi TQT yêu cầu xác minh, thông qua một số hãng thông tin quốc tế, CIC đã lần ra dấu vết của KSV. Công ty này đăng ký thành lập tháng 5 vừa qua tại Phnom Penh, Campuchia, do ông Keo Sovann làm giám đốc nhưng không hề có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào tại nước sở tại. Các hãng thông tin quốc tế cũng khuyến cáo TQT cần thận trọng với người đại diện của công ty này trong các giao dịch thương mại.
Về khoản tiền đặt cọc 250 triệu USD tại Deutsche Bank, CIC đã có công văn đề nghị chi nhánh ngân hàng này tại TP HCM xác minh. Kết quả cho thấy giấy chứng nhận đặt tiền cọc của KSV là hoàn toàn giả mạo. Deutsche Bank chi nhánh Thụy Sĩ cũng khẳng định KSV không phải là khách hàng của họ và họ hoàn toàn không biết gì về công ty này.
Hiện văn bản xác minh của CIC đã được TQT gửi sang Campuchia cho KSV để chờ công ty này phản hồi. Về khoản cọc 3 triệu USD, ông Phổ Phú, giám đốc TQT, khẳng định chưa trao số tiền đặt cọc 3 triệu USD theo yêu cầu của KSV vì đã kịp gửi hồ sơ yêu cầu CIC xác minh.
Theo một cán bộ CIC, nắm bắt được nhu cầu vay vốn ngày càng tăng để thực hiện các dự án lớn của các doanh nghiệp, nhiều tổ chức nước ngoài núp dưới danh nghĩa công ty đầu tư nước ngoài vào VN thực hiện môi giới, chào cho vay các khoản vốn lớn với lãi suất rất hấp dẫn. Tuy nhiên, phần lớn trong số các thương vụ chào mời này chỉ là chiếc... bánh vẽ.
Theo vị cán bộ này kịch bản cho vay vốn với lãi suất hấp dẫn của KSV chỉ là một trong những thương vụ làm ăn giữa các công ty nước ngoài với doanh nghiệp trong nước đã được CIC kịp thời ngăn chặn dựa trên kết quả điều tra.
Hiện CIC đang quản lý kho dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia, là nơi lưu giữ hồ sơ kinh tế khách hàng, tài chính doanh nghiệp, quan hệ tín dụng, thông tin về các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, kho dữ liệu này vẫn chưa được khai thác hết công suất. Nguyên nhân là do số doanh nghiệp biết về dịch vụ của CIC còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, họ chưa có thói quen điều tra về tình hình hoạt động và năng lực tài chính của đối tác trước khi bắt đầu hợp tác.
Ông Đỗ Hoàng Phong, phó giám đốc CIC, cho biết hiện hầu hết công ty lớn ở TP HCM và Hà Nội đều đã là khách hàng của CIC, trong khi doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa quan tâm nhiều đến việc tìm hiểu về đối tác của mình.
CIC cũng vừa có công văn gửi sở kế hoạch và đầu tư của các tỉnh, đề nghị họ nên khuyến cáo các doanh nghiệp địa phương thận trọng khi bắt đầu làm ăn với công ty nước ngoài.
"Chúng ta đã từng có bài học với siêu dự án gang thép trị giá 30 tỷ USD trong tháng 5 vừa qua. Giả sử UBND tỉnh Thanh Hóa trước khi chấp thuận dự án yêu cầu CIC điều tra về năng lực tài chính của Tập đoàn Eminence thì có lẽ chúng ta không mất quá nhiều thời gian và công sức đối với dự án này như thực tế đã xảy ra” - ông Phong nói.
(Theo Tuổi Trẻ)