Tôi là người thường xuyên tham gia và theo dõi hoạt động của một nhóm trên mạng xã hội về liêm chính khoa học. Ngoài việc trao đổi về nghiên cứu khoa học, nhóm cũng thường xuyên đăng những bài liên quan đến việc đạo văn, sao chép ở trong và ngoài nước.
Gần đây tôi có đọc một bài viết về một luận án tiến sĩ kinh tế đang chuẩn bị bảo vệ mà quét trùng lặp lên đến hơn 40%. Đó là việc mà tôi khó có thể tin nổi rằng nó đang xảy ra với một luận án tiến sĩ, thứ mà quyết định học vị cao nhất của một người học hiện nay.
Trong luận án đó thực sự có khá nhiều chỗ mà sao chép mà không hề trích dẫn nguồn (nguồn đó của người khác chứ không phải của tác giả), điều mà những người làm khoa học tối thiểu cần phải biết khi viết một công bố khoa học. Luận án đó có độ dài hơn 270 trang thì tức là khoảng 100 trang là có trùng với nguồn khác.
Theo tôi biết thì hiện nay các trường đại học quy định một tác phẩm khoa học không được trùng lặp vượt quá một ngưỡng nhất định mới cho bảo vệ. Đa phần các trường đại học thì ngưỡng này là 20-25%, còn với một số ngành có đặc thù phải trích dẫn nguyên câu như ngành luật thì có thể cho phép cao hơn.
Tuy nhiên, ngưỡng này là ngưỡng mà tác giả được cho phép trùng lặp có trích dẫn rõ ràng, tức là phải ghi nguồn thể hiện là đoạn văn trùng lặp đó là lấy từ nguồn khác. Còn trường hợp mà sao chép mà không trích dẫn nguồn thì bị coi là đạo văn, bất kể bao nhiêu phần trăm. Vậy tức là luận án trên dù thế nào cũng có thể coi là đã đạo văn, và vẫn được bảo vệ.
Từ đó, tôi có nhiều suy nghi xa hơn và có nhiều câu hỏi đặt ra ở đây muốn được giải đáp:
- Một là: Tại sao có những luận án vi phạm quy định như vậy vẫn được người hướng dẫn cũng như hội đồng bảo vệ thông qua và cho phép nghiên cứu sinh bảo vệ? Việc sơ loại trùng lặp, đạo văn này không phải là việc quá là khó, nó chỉ đơn giản là xem từng phần nội dung trong luận án có trùng ở đâu không, nếu trùng thì đã trích dẫn chưa rồi tổng hợp là bao nhiêu phần trăm bị trùng.
Trước kia thì phải kiểm tra thủ công từng câu văn một thì đúng là vất vả, nhưng giờ phần mềm kiểm tra đạo văn cũng đã có nhiều và dễ tiếp cận thì khâu sơ loại này cũng không mất thời gian là bao.
Vậy trong quy trình bảo vệ thạc sĩ, tiến sĩ thì ai là người chịu trách nhiệm làm việc này? Nếu họ không làm tròn trách nhiệm thì sẽ xử lý ra sao hay là chỉ đơn giản là mất uy tín thôi? -
Hai là: Nếu tôi phát hiện ra việc đạo văn, vi phạm liêm chính thì phản hồi thế nào? Phản hồi cho ai? Hiện nay quy định là các luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ phải được công khai trên website của cơ sở đào tạo. Tuy nhiên lại chưa có quy định về việc làm thế nào để mọi người có thể phản hồi lại ý kiến về luận văn đó.
Tôi thấy nhiều luận án dù công khai nhưng lại không có thông tin để liên hệ đến tác giả hay hội đồng, phải rất mất công để tìm liên hệ, rồi tổng hợp bằng chứng, mà kể cả có liên hệ rồi thì cũng chưa biết là được tiếp nhận hay chưa (ví dụ mail bị rơi "nhầm" vào thư mục spam chẳng hạn). Vì quy trình nó cồng kềnh như vậy nên nếu tôi không phải là người liên đới trực tiếp thì tôi cũng chẳng muốn phản hồi hay báo cáo làm gì cho mất công. Thậm chí là giờ mà có ai đó báo cáo thì sẽ có người còn nghi hoặc rằng cái người báo cáo có mục đích cá nhân đằng sau hay không.
Nếu tình trạng này tiếp diễn, tôi lo rằng chức danh 'tiến sĩ' có lẽ sẽ giống như danh hiệu 'hoa hậu' thời nay. Và thực sự tôi không hề mong muốn việc đó xảy ra.
Quốc Vượng
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.