Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu hôm 26/8, hóa thạch được tìm thấy ở vùng Fayum của Ai Cập, nơi từng bị bao phủ bởi đại dương và là quê hương của "Thung lũng Cá voi" - Di sản Thế giới được UNESCO công nhận với hàng trăm bộ xương tiền sử.
"Đây là lần đầu tiên một nhóm nghiên cứu người Arab, đặc biệt là ở Ai Cập, ghi lại một khám phá như vậy", nhà cổ sinh vật học Hesham Sallam từ Trung tâm cổ sinh vật có xương sống thuộc Đại học Mansoura (MUVP) của Ai Cập nhấn mạnh trong một tuyên bố. "Bộ xương mới thuộc về một loài cá voi chưa từng được mô tả trước đây".
Sinh vật được đặt tên là Phiomicetus anubis, dài hơn 3 m và nặng khoảng 600 kg. Nó là một kẻ săn mồi lớn với bộ hàm to khỏe, cho phép thống trị môi trường sống. Con cá voi có khả năng vừa đi bộ trên đất liền, vừa bơi dưới nước.
Bộ Môi trường Ai Cập cho biết đây loài cá voi "hung dữ và cổ xưa nhất ở châu Phi", cung cấp bằng chứng về sự tiến hóa của cá voi từ động vật có vú trên cạn sang động vật có vú dưới biển.
Phân tích hóa thạch cho thấy Phiomicetus anubis có cấu trúc hộp sọ khác biệt so với những loài cá voi lưỡng cư khác ở chỗ nó có một hố thái dương kéo dài. Sinh vật cũng có các cơ trong hộp sọ và xương thành dài hơn. Những đặc điểm này gợi ý rằng nó có khả năng xử lý cơ học ở miệng hiệu quả hơn, cho phép mở rộng chế độ ăn.
Tổ tiên của cá voi được cho là xuất hiện cách đây 42 - 48 triệu năm và trông giống như sư tử biển hiện đại. Bộ xương 43 triệu năm tuổi của Phiomicetus anubis bởi vậy có ý nghĩa rất quan trọng đối với cổ sinh vật học Ai Cập và châu Phi.
Đoàn Dương (Theo AFP)