Sinh vật tiền sử có tên Tlatolophus galorum được cho là đã chết cách đây khoảng 72 triệu năm tại một khu vực ngày nay là bang Coahuila ở miền bắc Mexico. Sau khi phát hiện chiếc đuôi hóa thạch ban đầu, các nhà cổ sinh vật học đã khai quật thêm được phần lớn hộp sọ của nó, cùng một số mảnh xương vai và đùi.
Tlatolophus galorum là một loài khủng long mỏ vịt cỡ lớn, ước tính có thể dài từ 8 đến 12 m, trong đó chỉ riêng phần đuôi đã chiếm khoảng 6 m. Hộp sọ gần như nguyên vẹn của sinh vật tiết lộ nó có một chiếc mào khổng lồ bằng xương rỗng dài tới 1,32 m kéo dài từ mõm ra phía sau đầu.
"Chúng tôi tin rằng mào của con khủng long này cũng có màu sắc rực rỡ giống như chim, có thể là màu đỏ hoàn toàn hoặc nhiều màu với các đốm", tác giả chính của nghiên cứu Angel Alejandro Ramirez, nhà cổ sinh vật học từ Viện Nhân chủng học và Lịch sử Quốc gia Mexico (INAH), mô tả.
Theo báo cáo trên tạp chí Cretaceous Research hôm 13/5, INAH nhấn mạnh Tlatolophus galorum là một loài khủng long "ôn hòa và rất giao tiếp". Chúng sử dụng âm thanh tần số thấp để "nói chuyện" với đồng loại giống như voi ngày nay. Bên cạnh đó, chúng cũng có thể phát ra tiếng kêu lớn để xua đuổi kẻ săn mồi.
"Khám phá này là một trường hợp đặc biệt đối với ngành cổ sinh vật học của Mexico. Hóa thạch được lưu giữ trong điều kiện tốt như vậy cho thấy phải có rất nhiều sự kiện cực kỳ thuận lợi đã xảy ra cách đây hàng chục triệu năm, khi Coahuila vẫn còn là một khu vực nhiệt đới", Ramirez nói thêm.
Đoàn Dương (Theo Phys)