Loài khủng long mới được đặt tên là Menefeeceratops sealeyi cung cấp mảnh ghép quan trọng cho sự hiểu biết của các nhà khoa học về lịch sử tiến hóa của họ Ceratopsidae, bao gồm các loài khủng long có sừng, mỏ và diềm xương (xương vảy). Phần còn lại của sinh vật được khai quật tại hệ tầng Menefee ở bang New Mexico của Mỹ có niên đại lên tới 82 triệu năm, cho thấy nó là thành viên lâu đời nhất trong họ này.
Menefeeceratops sealeyi cũng đại diện cho một chi hoàn toàn mới. Theo mô tả trên tạp chí PalZ, Menefeeceratops có họ hàng gần với chi khủng long ba sừng Triceratops, còn được gọi là tam giác long, nhưng nhỏ hơn đáng kể. Chúng chỉ dài từ 4 đến 4,5 m, trong khi Triceratops có thể đạt tới chiều dài 9 m.
Đặc điểm chính giúp phân biệt chi Menefeeceratops với các nhóm khủng long có sừng khác nằm ở phần xương cấu tạo nên mặt diềm của nó. Mặc dù được trang trí ít công phu hơn, diềm xương của Menefeeceratops lại có kiểu hình lồi lõm rõ rệt. Phân tích chi tiết hóa thạch cho thấy M. sealeyi là một trong những loài Ceratopsidae cơ bản nhất về mặt tiến hóa.
Khủng long có sừng nói chung là động vật ăn cỏ lớn, giống tê giác, có khả năng sống theo nhóm hoặc bầy đàn. Chúng đóng vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái kỷ Phấn trắng muộn. Ceratopsidae khá phổ biến ở Bắc Mỹ trong thời kỳ này nhưng chúng ta chưa có nhiều thông tin về chúng, đặc biệt là từ khoảng thời gian 79 triệu năm trước.
"Kiến thức về Ceratopsidae đã gia tăng đáng kể trong hai thập kỷ qua. Phần lớn trong số đó là kết quả của những khám phá ở phía bắc, từ bang Utah của Mỹ đến tỉnh Alberta của Canada. Điều thú vị của phát hiện này là nó nằm xa hơn về phía nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ tầng Menefee đối với sự hiểu biết của chúng ta về lịch sử tiến hóa của khủng long trong kỷ Phấn trắng muộn trên khắp miền tây Bắc Mỹ", tác giả chính của nghiên cứu Peter Dodson, Giáo sư giải phẫu tại Đại học Pennsylvania, nhấn mạnh.
Đoàn Dương (Theo Science Daily)