Địa điểm nằm ở hạt Wiltshire là một trong những bộ sưu tập hóa thạch lớn nhất từng được biết đến ở Vương quốc Anh, Tiến sĩ Tim Ewin từ Khoa Khoa học Trái Đất tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên (NHM) nhấn mạnh trong một tuyên bố.
Ewin cùng với cặp vợ chồng Neville và Sally Hollingworth, những người đầu tiên phát hiện "kho báu kỷ Jura" thông qua Google Earth, đã tiến hành khai quật một phần mỏ đá và vô cùng kinh ngạc khi tìm thấy hàng trăm hóa thạch có niên đại cách đây từ 164 đến 174 triệu năm.
Những mẫu vật này rất đa dạng và được bảo quản tốt. Một số trong đó đặc biệt hiếm như sao biển, huệ biển có cuống và huệ biển không cuống. Nhiều hóa thạch mỏng manh đến mức không thể lấy ra khỏi đá.
"Chúng ta có một nhóm động vật đa ngành tập hợp tại một địa điểm, cho phép tìm hiểu môi trường nơi chúng sống và chết đi. Những gì chúng tôi thu thập được tiết lộ rằng một sự kiện đột ngột nào đó, chẳng hạn như lở đất, đã chôn vùi tất cả", Sally chia sẻ. "Bản thân sự kiện này thật bi thảm nhưng ở góc độ khảo cổ học, nó cũng thật hấp dẫn bởi chúng ta đang nhìn lại khoảng thời gian khi khủng long sống trên đất liền và những vùng đất ngập nước nông có thảm thực vật xung quanh".
Tiến sĩ Ewin giải thích thêm rằng họ có bằng chứng cho thấy động vật đã bị chôn sống, bởi nhiều mẫu vật chết ở tư thế khép chặt tay, một nỗ lực để ngăn bùn đất đi vào miệng của chúng.
Trong khi phần lớn hóa thạch thuộc về các loài đã biết, một số không giống với bất kỳ thứ gì từng được mô tả trước đây. Nhóm nghiên cứu đã xác nhận được ít nhất ba loài mới, bao gồm một loài huệ biển, một loài hải sâm và một loài sao biển đuổi rắn tiền sử.
Mức độ đa dạng của hóa thạch cũng cho phép các nhà khoa học nghiên cứu sự tiến hóa của các loài động vật. Họ đã tìm thấy cả mẫu vật con non và con trưởng thành, thậm chí là một con sao biển có cánh tay đang mọc lại.
"Đây thực sự là một bức tranh đặc biệt. Nó tuyệt vời không chỉ ở số lượng lớn hóa thạch mà tất cả đều được bảo quản tốt, qua đó hé lộ những thông tin thú vị", Ewin nói thêm.
Đoàn Dương (Theo Sun)