"Mô mềm trong não hiếm khi được bảo tồn sau khi sinh vật chết đi. Đây là lần đầu tiên một hóa thạch não còn nguyên vẹn của cua móng ngựa được tìm thấy", Giáo sư John Paterson từ Đại học New England của Australia, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
Mẫu vật 310 triệu năm thuộc về loài cua móng ngựa tiền sử có tên là Euops danae. Nó được bảo quản trong một khối trầm tích từ khoáng chất carbonat sắt siderit. Phần não của sinh vật chứa một lớp phủ màu trắng từ khoáng chất đất sét kaolinit. Chính khoáng chất này đã tạo nên dấu vết hóa thạch khi não phân hủy.
Nhóm nghiên cứu đã so sánh hóa thạch ở Mazon Creek với não của một con cua móng ngựa hiện đại và nhận thấy rằng chúng gần như giống hệt nhau về cách sắp xếp các dây thần kinh đến mắt và các phần phụ, cũng như một lỗ trung tâm duy nhất dẫn đến thực quản. Điều này tiết lộ rằng cấu trúc giải phẫu não của cua móng ngựa hầu như không thay đổi trong suốt lịch sử tiến hóa của nó.
Hiểu biết của các nhà khoa học hiện nay về mô mềm của động vật tiền sử chủ yếu đến từ hổ phách, hay nhựa cây hóa đá. Tuy nhiên, những mẫu vật kiểu này thường chỉ lưu giữ được các loài nhỏ như côn trùng và có niên đại từ 230 triệu năm (kỷ Tam Điệp) đổ về đây. Phát hiện hóa thạch não cua móng ngựa từ kỷ Than Đá (358,9 – 298,9 triệu năm) bởi vậy rất độc đáo và có ý nghĩa quan trọng.
"Những hóa thạch kiểu này đại diện cho một trong những sinh vật cổ xưa nhất trên Trái Đất và có thể hé lộ nguồn gốc cũng như lịch sử tiến hóa ban đầu của chúng", Tiến sĩ Russell Bicknell từ Đại học New England, đồng tác giả của nghiên cứu, nhấn mạnh trong bài đăng trên tạp chí Geology hôm 27/7.
Đoàn Dương (Theo Phys)