Dù có niên đại 2.000 năm, nhiều chiếc sương vẫn soi được và còn lưu giữ những chi tiết nguyên bản như đám mây và các nhân vật cổ đại. Kích thước gương trong khoảng 7 - 22 cm, được đặt gần đầu hoặc xung quanh nửa thân trên của hài cốt trong mộ.
Nằm ở trấn Gaozhuang thuộc vùng tân khu Tây Hàm, tỉnh Thiểm Tây, nghĩa trang bao gồm hơn 400 ngôi mộ của quý tộc nhà Tây Hán, đồng thời chứa lượng lớn đồ gốm sứ và đồ đồng. Các nhà khảo cổ học phát hiện nghĩa trang trước tiên, sau đó tìm thấy vô số hàng hóa cổ đại như đồ gốm và nữ trang. Tuy nhiên, gần đây, nhóm nghiên cứu mới khai quật hàng loạt gương đồng trong những ngôi mộ chứa cả hài cốt đàn ông và phụ nữ.
Các nhà nghiên cứu tham gia khai quật cho biết nghĩa trang khổng lồ này dành riêng cho giai cấp quý tộc. Nhóm chuyên gia đến từ Đại học Hong Kong cho biết người Trung Quốc cổ đại nảy ra ý tưởng tạo ra bề mặt phản chiếu để quan sát thế giới khi ngắm nhìn mặt nước tĩnh lặng ở ao hồ.
Chiếc gương cổ nhất được phát hiện ở tỉnh Cam Túc, có nguồn gốc từ nền văn minh Qijia thời Đồ đá mới cách đây 4.000 năm. Dù những chiếc gương được làm ngày càng cao cấp theo thời gian, mãi tới thời Hán, ngành sản xuất này mới hưng thịnh. Trong suốt thời kỳ đó, người dân bắt đầu sản xuất gương với số lượng lớn. Tất cả đều chế tác từ khuôn đất sét, cho phép mọi người thêm vào những chi tiết tinh xảo và chữ.
Phần lớn gương gồm chủ yếu đồng và thiếc, ngoài ra còn có dấu vết của chì. Gương đồng được đánh bóng sau khi đúc để làm bề mặt trở nên trơn nhẵn, đảm bảo khả năng phản chiếu tốt nhất. Không giống các đồ vật bằng đồng khác, chiếc gương có chức năng đặc biệt, vì vậy bề mặt phản chiếu cần xử lý tốt để tăng hiệu quả khi soi.
Nhà Hán được xem như thời kỳ hoàng kim trong lịch sử Trung Quốc với nhiều thành tựu trong lĩnh vực khoa học, y học, thơ ca, văn học và nghệ thuật. Nhà Hán bắt đầu từ năm 206 trước Công nguyên, kéo dài tới năm 220, là một trong những vương triều tồn tại lâu nhất ở Trung Quốc, có thể sánh ngang với đế quốc La Mã ở phương Tây về quyền lực.
An Khang (Theo Mail)