Theo Patrick Druckenmiller, người quản lý bộ môn khoa học Trái Đất ở Bảo tàng Đại học Alaska, bộ xương thuộc về loài elasmosaur, một động vật bơi ở biển sống cách đây 75 triệu năm trong thời kỳ cuối Kỷ phấn trắng.
"Đây là một nhóm bò sát biển đặc biệt thuộc họ plesiosaur lớn hơn. Elasmosaur rất nổi tiếng bởi chúng có chiếc cổ cực dài và hộp sọ tương đối nhỏ," Live Science dẫn lời Druckenmiller hôm 4/8.
Phần lớn bộ xương mới được phát hiện của con elasmosaur vẫn nằm trên vách đá thuộc dãy núi Talkeetna ở phía nam Alaska. Druckenmiller ước tính con vật dài khoảng 7,6 mét với chiếc cổ chiếm một nửa chiều dài cơ thể.
Chiếc cổ dài khó tin của loài khủng long ăn thịt cổ đại này đã dẫn đến một giả thuyết thú vị vào những năm 1930 khi có người cho rằng quái vật hồ Loch Ness bí ẩn thực ra là một con plesiosaur chưa tuyệt chủng. Druckenmiller nhận định giả thuyết trên là "vô nghĩa," bởi plesiosaur không có khả năng dựng thẳng đầu trên mặt nước giống chim thiên nga.
Tuy nhiên, hóa thạch plesiosaur có thể tồn tại ở những địa điểm khác thường. Con elasmosaur mới tìm thấy ở Alaska nằm giữa dãy núi có đỉnh cao gần 2.743 mét, cách xa đáy biển, nơi xác loài khủng long này chắc chắn sẽ chìm xuống sau khi chết.
"Những viên đá xung quanh bộ xương đã nằm ở đáy biển cách đây khoảng 70 – 75 triệu năm. Ở thời điểm đó có một vùng biển kéo dài dọc biên giới phía nam Alaska ngày nay," Druckenmiller cho biết. Trải qua gần 100 triệu năm, hoạt động kiến tạo dưới vùng biển cổ đại đó đã nâng đáy biển lên cao hàng nghìn mét.
Phương Hoa