Khách nước ngoài sẽ được robot mang hình dạng khủng long dữ tợn đón tiếp bằng tiếng Anh tại quầy lễ tân của khách sạn Henn na (Kỳ Dị). Trong khi đó, nhân viên lễ tân nói tiếng Nhật là một robot nữ xinh đẹp biết nháy mắt. Hành lý của khách cũng được robot đưa lên tận phòng.
Henna nằm ở thành phố Nagasaki, tây nam Nhật Bản. Đây là khách sạn đầu tiên trên thế giới hầu như được vận hành bởi các nhân viên robot để cắt giảm nhân công lao động.
Hideo Sawada, người điều hành khách sạn, cho biết việc sử dụng robot không phải là một mánh câu khách mà là một nỗ lực nghiêm túc để ứng dụng công nghệ vào cuộc sống một cách hiệu quả.
Trước khi chính thức mở cửa hôm 17/7, Henn na đã có một ngày mở cửa đón tiếp báo giới và phô diễn khả năng của các robot.
Ngoài các robot phục vụ ra, khách sạn này còn trang bị công nghệ nhận diện khuôn mặt. Theo đó, thay vì dùng chìa khoá từ, khách hàng có thể đăng kí ảnh chụp khuôn mặt mình ngay tại quầy lễ tân.
Lý do sử dụng công nghệ này cũng đơn giản. Đó là robot khó có thể giúp đỡ khách hàng tìm ra chìa khoá nếu chẳng may họ đánh rơi đâu đó.
Một cánh tay robot khổng lồ thường thấy trong dây chuyền sản xuất được đặt ngay sảnh khách sạn. Nó nâng một trong số những cái hộp gắn trên tường lên, di chuyển về phía khách hàng và họ có thể đặt các vật dụng của mình vào trong hộp. Robot sau đó lại đặt chiếc hộp này vào vị trí cũ cho đến khi khách hàng tới và yêu cầu nhận lại đồ của mình. Hệ thống này gọi là két sắt hay phòng giữ đồ.
Tất nhiên khách hàng có thể sử dụng két sắt để bảo quản đồ dùng quý giá theo cách thông thường. "Nhưng tại đây, chúng tôi muốn đề cao sự đổi mới," ông Sawada cho biết, "tôi cũng muốn làm điều gì đó để nâng giá khách sạn lên."
Một đêm lưu trú tại Henn na tốn khoảng $80, trong khi tại Nhật, giá ở những khách sạn sang trọng hơn gấp hai đến ba lần.
Robot phục vụ tại sảnh trông như một con búp bê không có tóc. Nó có khả năng nhận diện giọng nói, có thể mời khách vào ăn sáng và thông báo một số sự kiện, tuy nhiên, nó không thể giúp khách gọi taxi hay làm những việc vặt khác.
Khách sạn Henn na được lắp đặt rất nhiều camera an ninh. Do vậy, có một đội ngũ nhân viên người thật ngồi sau màn hình để theo dõi hoạt động của khách sạn, đảm bảo an toàn cho khách hàng và cả cho những con robot đắt tiền.
"Robot cũng không dọn phòng, thay ga giường đệm được," ông Sawada nói.
Sawada có tham vọng lớn với ý tưởng khách sạn robot của mình và dự định sẽ mở thêm một số khách sạn tương tự ở Nhật Bản và nước ngoài. Ông cũng sẽ đưa thêm một số ngôn ngữ khác như tiếng Trung và tiếng Hàn vào vốn từ vựng của các robot.
Tới đây một robot hình khối hộp sẽ di chuyển ngoài hành lang để làm dịch vụ phòng, phục vụ đồ uống và thức ăn nhẹ cho khách khi có yêu cầu.
Trong phòng, đèn bàn là một robot hình bông hoa tulip mập mạp màu hồng có thể trả lời một số câu hỏi đơn giản như mấy giờ rồi, thời tiết thế nào. Bạn cũng có thể yêu cầu nó tắt hoặc bật đèn. Trên tường không lắp đặt chiếc công tắc nào cả.
Sawada giữ cho khách sạn chỉ đáp ứng một nửa công suất trong vài tuần đầu để đảm bảo dây chuyền của ông vận hành tốt.
Nhật Bản dẫn đầu thế giới về công nghệ robot và chính phủ cũng tuyên bố rằng ngành công nghiệp robot đóng vai trò trụ cột trong chiến lược phát triển của đất nước.
Robot đã từng được sử dụng trong công nghiệp sản xuất, và hiện đang được khai thác tiềm năng giao tiếp với con người, chẳng hạn như robot giúp đỡ người già.
Robot cũng là chìa khóa trong việc vô hiệu hoá ba lò phản ứng hạt nhân tại Fukushima, phía bắc Nhật Bản, trong vụ nổ năm 2011, thảm hoạ hạt nhân khủng khiếp nhất kể từ vụ Chernobyl.
Ngô Minh (theo Guardian)