Greenland vẫn còn đầy bí ẩn. Chỉ tính riêng trong năm 2019, có tới 50 hồ nước ngầm được khám phá mới bên dưới khối băng khổng lồ này. Chúng hình thành khi phần băng mắc kẹt giữa lớp đá nền và lớp băng trên cao tan chảy thành nước lỏng.
Tuy nhiên, phát hiện về hồ nước cổ đại mới có bản chất hoàn toàn khác. Nó đã khô cạn từ rất lâu và hiện chứa trầm tích đá xốp dày tới 1,2 km. Phía trên đá trầm tích còn được bao phủ bởi lớp băng dày 1,8 km.
Theo báo cáo trên tạp chí Earth and Planetary Science Letters trong tháng 11, hồ ước tính đã hàng triệu năm tuổi và có diện tích bề mặt lên tới 7.100 km2, tương đương vùng kết hợp giữa hai tiểu bang Delaware và Rhode Island của Mỹ.
Nhóm nghiên cứu do nhà địa vật lý sông băng Guy Paxman từ Đại học Columbia dẫn đầu đã sử dụng một loạt các thiết bị đo radar, trọng lực và dữ liệu trọng trường để lập bản đồ địa mạo khu vực và nhận thấy hồ cạn khổng lồ này có thể chứa khoảng 580 km3 nước trong quá khứ. Nó được cấp nước từ một mạng lưới gồm ít nhất 18 con suối cổ ở phía bắc.
Paxman cùng các cộng sự đang tìm cách thu thập đá xốp bên dưới lòng hồ để phân tích bởi đó là "viên nang thời gian" lưu trữ thông tin quan trọng. "Nếu chúng tôi lấy được mẫu trầm tích đó, chúng có thể tiết lộ khi nào băng hình thành hoặc biến mất", Paxman cho hay.
Nhóm nghiên cứu cho rằng hồ có thể hình thành do sự dịch chuyển của một đường đứt gãy bên dưới nền đá vào thời điểm khí hậu trên Trái Đất ấm hơn hiện nay. Bên cạnh đó, sự xói mòn của băng cũng góp phần tạo nên hình dạng của lưu vực theo thời gian.
"Chúng tôi muốn hiểu cách hoạt động của Greenland trong quá khứ. Điều này rất quan trọng nếu chúng ta muốn dự đoán dải băng này hoạt động như thế nào trong những thập kỷ tới", Paxman nhấn mạnh.
Đoàn Dương (Theo Science Alert)