Cấu trúc san hô mới được phát hiện vào hôm 20/10 bởi các thành viên trên con tàu nghiên cứu Falkor trong dự án thám hiểm kéo dài 12 tháng tại vùng biển xung quanh Australia.
Với chiều cao lên tới 500 m, nó hùng vĩ hơn nhiều so với loạt công trình chọc trời trên Trái Đất như tháp đôi Petronas (452 m), tòa nhà Empire State (373 m), tháp Eiffel (324 m), tòa nhà Shard (310 m), hay tháp Tanjong Pagar (284 m).
"Chúng tôi rất kinh ngạc và phấn khích khi tìm thấy cấu trúc này", Tiến sĩ Robin Beaman của Đại học James Cook của Australia, tác giả chính của nghiên cứu, nhấn mạnh. Đây là núi san hô với phần chóp dẹt đầu tiên được khám phá trên thế giới trong vòng 120 năm qua.
Núi san hô được hình thành từ sự phát triển của nhiều thế hệ san hô kế tiếp. Trong đó, thế hệ đầu tiên gắn vào nền đá dưới đáy biển tạo thành nền móng. Những thế hệ tiếp theo lần lượt phát triển phía trên và qua hàng nghìn năm, hình thành cấu trúc khổng lồ như chúng ta thấy ngày nay.
Năm ngày sau khi phát hiện, nhóm nghiên cứu đã sử dụng thiết bị lặn sâu không người lái SuBastian của Viện Đại dương Schmidt để thực hiện các khám phá về núi san hô mới. Những cảnh quay độ phân giải cao mà thiết bị ghi lại được cho phép các nhà khoa học có cái nhìn trực quan và lập bản đồ 3D chi tiết về cấu trúc khổng lồ này.
"Việc tìm thấy một chóp san hô mới cao tới nửa km ở ngoài khơi Cape York cho thấy rạn san hô lớn nhất thế giới Great Barrier Reef - được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1981 - vẫn còn nhiều bí ẩn chưa được khám phá, thôi thúc chúng tôi tiếp tục tìm kiếm những điều mới mẻ dưới đại dương", Giám đốc điều hành Viện Đại dương Schmidt Jyotika Virmani chia sẻ.
Đoàn Dương (Theo Telegraph)