Nơi đây vốn là dinh thự của gia tộc Fujiwara, sau đó được Yorimichi Fujiwara cải tạo lại thành chùa để thờ phụng Phật A Di Đà. Sở dĩ được gọi là Phật Đường Phượng Hoàng bởi nhìn từ xa, công trình không khác gì một con chim phượng hoàng đang sải rộng cánh và mỗi chi tiết nhỏ đều được thiết kế rất tinh vi, toát lên vẻ thanh tao, duyên dáng của loài chim. Hơn nữa, ở hai đầu nam bắc của mái nhà có trang trí hình hai con chim phượng hoàng đứng đối mặt vào nhau.
Tòa nhà được xây dựng theo phong cách shinden-zukuri, lối kiến trúc thường thấy của những dinh thự sang trọng. Phòng chính gọi là shinden, nghĩa là phòng ngủ, quay mặt về hướng nam để đón nắng và phía trước là cảnh vườn ao thơ mộng.
Chùa Byodoin xây dựng năm 1052, vài năm sau Phật Đường được thành lập để cất giữ tượng Phật A Di Đà Như Lai, cả hai đều là quốc bảo của nước Nhật. Xung quanh có biển cát Suhama, cầu Hirabashi, cầu cong Soribashi và đảo Kojima.
Nơi đây còn lưu trữ rất nhiều bảo vật quốc gia từ thời kỳ Heian (794 - 1185), trong đó có các bức tranh trường phái Yamato-e vẽ Chuông chùa Phật, cặp phượng hoàng. Đặc biệt phải kể đến 52 tượng phật Bồ Tát, đây chính là các bức tượng của Vân Trung Cung Dưỡng Bồ Tát được tạc vào năm 1053. 52 bức tượng là 52 dáng vẻ khác nhau như: có ánh hào quang trên đầu, ngồi trên mây, diễn tấu nhạc cụ với 18 loại như trống tay, đàn tì bà, đàn tranh hoặc múa các vũ điệu... Hiện nay, 26 tượng được trưng bày tại bảo tàng Hoshoken.
Với mong muốn tạo nên Thiên Đàng, chùa nằm trên thắng cảnh dọc theo bờ sông quay mặt về núi Asashi-yama. Lối kiến trúc độc đáo lấy Điện Chudo làm trung tâm, hành lang hai bên làm hai cánh và một hành lang cao phía sau làm đuôi để mô phỏng hình tượng chim phượng hoàng. Bên trong là cả một bộ sưu tập nghệ thuật về ý niệm Miền Cực Lạc từ thời kỳ Heian, trong đó có tượng Phật A Di Đà Như Lai ngồi được chế tác bởi nghệ nhân Jocho.
Thiên Đàng là nơi con người sống ở kiếp sau. Các hình ảnh từ thời kỳ Heian minh họa một vùng đất của sự hạnh phúc, có Phật A Di Đà ngồi giữa ngôi chùa kiểu dáng cung điện và một cái ao đằng trước. Đây là khởi nguồn của những khu vườn mang phong cách Jodo. Thời đó giới quý tộc Nhật có rất nhiều tiền bạc và quyền lực nên họ có thể xây chùa theo bất kì kiểu dáng nào mà họ mơ ước, với hi vọng kiếp sau sẽ được an nghỉ tại đây. Những tín đồ theo tín ngưỡng Jodo luôn răn dạy con cháu rằng: “Hãy cầu nguyện nam mô A Di Đà Phật để được lên Thiên Đàng”.
Chuông chùa truyền thống ở Nhật gồm 4 đặc điểm: một ryûzu – chạm trổ đầu rồng trên đỉnh chuông, một tsukiza – hình tròn trên thân, nơi đánh chuông, một obi – sợi dây nối ryûzu và tsukiza, và cuối cùng là một chuỗi cácma – bề mặt tròn, phẳng được chạm khắc tinh tế.
Xem thêm: Bí ẩn bên trong 'quận Geisha' ở Kyoto
Ái Ngân (theo Japantravel)